Cập nhật: 15/03/2011 23:29:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những hướng đi thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mười năm qua, phong trào đã lan rộng khắp các vùng, miền trong cả nước đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thời gian tới đòi hỏi phong trào phải đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng.

Trước hết phong trào mang đến cho toàn xã hội nhận thức sâu sắc: Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, hai quá trình này phải cùng song hành. Trước đây không ít người cho rằng trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, phải phát triển kinh tế trước rồi mới xây dựng văn hóa sau, không ít lãnh đạo địa phương các cấp quan niệm lo cho cái ăn, cái mặc trước, rồi văn hóa tính sau. Chính vì vậy, chỉ có địa phương nào mà lãnh đạo quan tâm thì văn hóa và chủ yếu là văn nghệ quần chúng mới có cơ hội phát triển. Khi kinh tế chuyển từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, nhiều sản phẩm văn hóa từ bên ngoài ùa vào với ảnh hưởng của lối sống thực dụng, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở nên rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với từng gia đình, từng bản thân mỗi người. Thực tiễn hoạt động phong trào ngày càng chứng minh xây dựng kinh tế phải đi đôi với xây dựng văn hóa là yêu cầu cấp thiết, hợp với lòng dân. Phong trào đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội. Ðặc biệt, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa, các hoạt động chỉ đạo triển khai và thực hiện phong trào, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể về trách nhiệm phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được nâng lên. Nhiều giá trị văn hóa, các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thâm nhập vào đời sống. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành và thực hiện có hiệu quả. Mức đầu tư ngân sách Nhà nước ở các cấp cho xây dựng đời sống văn hóa đều tăng hơn trước. Các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở đều tích cực thực hiện phong trào.

 

Phong trào được triển khai cụ thể ở mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa: Phong trào 'Người tốt, việc tốt' thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, tạo nên những tấm gương sáng cổ vũ mọi người noi theo. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, có nhiều gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân ở các cộng đồng dân cư hưởng ứng mạnh mẽ, đến nay đã có hơn 58 nghìn làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận tăng hơn ba lần so với năm 2000... Ðặc biệt, từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, việc đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo trở thành phong trào quần chúng rộng rãi mang đậm giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc được nhiều tổ chức quốc tế ca ngợi. Phong trào đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội một cách bền vững. Truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc được phát huy; xây dựng con người mới về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống; vai trò vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên trong xây dựng đời sống, tình làng nghĩa xóm được củng cố; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có chuyển biến, tiến bộ ở nhiều nơi. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được duy trì phát triển góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

 

Ðể Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển bền vững, đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, cần không ngừng đưa phong trào đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng hoạt động. Xây dựng nền văn hóa phải thường xuyên, lâu dài, mười năm mới chỉ đem lại những kết quả bước đầu. Ðể tăng cường nguồn lực cho phong trào, trước hết phải thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa, thu hút ngày càng đông nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước đóng góp sức người, sức của vào việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội ở thành thị và nông thôn, các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phát huy tốt nhất sức sáng tạo văn hóa của nhân dân trên các địa bàn, thực hiện có hiệu quả phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhưng hệ thống đó hoạt động có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào phong trào quần chúng và năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Thực tế đã cho thấy có những nhà văn hóa xây dựng rồi bỏ không năm thì mười họa mới có hoạt động chẳng mấy hấp dẫn, rất ít người tham gia. Ðào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng các phong trào văn hóa quần chúng và điều hành hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Nâng cao chất lượng phong trào, tránh rơi vào chủ nghĩa hình thức cũng cần nghiêm túc trong việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa như: Làng văn hóa, Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa...

 

 

Theo báo Nhân Dân Online 

Tệp đính kèm