Cập nhật: 12/06/2011 16:38:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Truyện tranh đã phát triển ở rất nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn là loại hình còn chưa phổ biến và đặt ra không ít thách thức trong đầu tư xuất bản, quảng bá, thu hút độc giả rộng rãi… ở Việt Nam.

Tại Hội thảo Xuất bản truyện tranh, các tác giả truyện tranh, nhà xuất bản truyện tranh các nước đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển truyện tranh với những thách thức, triển vọng về loại hình độc đáo này.

Truyện tranh - loại hình độc đáo

 

Truyện tranh, đã phát triển hoàng kim từ những năm 40 - 50 của thế kỷ XX ở các nước châu Âu như Pháp và Bỉ với sự phát triển của cả 3 loại hình: Bandes dessinées của Pháp và Bỉ; Comic book của Mỹ và Manga của Nhật Bản. Thời kỳ phát triển ban đầu, truyện tranh hướng tới đối tượng độc giả là những người trẻ tuổi với loại hình truyện tranh giải trí. Trong quá trình phát triển của mình, truyện tranh nhắm tới đối tượng là người lớn tuổi. Từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, truyện tranh đề cập đến những vấn đề nghiêm túc hơn như vấn đề chính trị. Điều đó có thể thấy, sau 40 - 50 năm phát triển, truyện tranh đã đạt đến độ chín muồi, đề cập đến tất cả mọi vấn đề xã hội và nhắm tới đối tượng độc giả là người lớn.

 

 

Giám đốc Trung tâm truyện tranh Bỉ Jean Auquier đưa ra câu hỏi: Nhà xuất bản có vai trò như thế nào trong việc đưa truyện tranh đến với độc giả? Với kinh nghiệm của mình, ông Jean Auquier chia sẻ, Nhà xuất bản là người có nhiệm vụ làm tất cả các công đoạn để giúp cho tác giả cũng như tác phẩm truyện tranh được tiếp cận với độc giả. Các công đoạn giúp cho tác phẩm tiếp cận với độc giả trải qua rất nhiều công đoạn: sản xuất, phát hành, quan hệ đối ngoại, quảng bá để giúp cho độc giả có thể tiếp cận với tác phẩm. Một trong những mục tiêu đặt ra đối với nhà xuất bản là làm sao phát triển nội dung truyện tranh đó trên tất cả các định dạng có thể được, để cho sản phẩm của mình đạt doanh số cao nhất, được phát hành trên những phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi nhất và đạt tới một số lượng độc giả, khán giả lớn nhất có thể được.

 

Quảng bá- cầu nối truyện tranh với độc giả

 

Cũng như bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào khác, quảng bá có vai trò quan trọng trong việc đưa truyện tranh đến với độc giả. Tại thị trường mà truyện tranh phát triển mạnh như Pháp và Bỉ, chiến dịch quảng bá cũng rất được coi trọng. Ví dụ, ở Pháp và Bỉ, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 4.600 tit truyện tranh mới ra đời, có nghĩa là một tuần khoảng 100 tít mới. Khi thị trường truyện tranh đã quá bão hòa như vậy, cần thiết phải có chiến lược quảng bá như thế nào đấy để thu hút khán giả và đó cũng là một thách thức đặt ra cho các nhà xuất bản.

 

Tại Pháp và Bỉ đã có những chiến lược quảng cáo như quảng cáo không chỉ trong phạm vi phương tiện của các nhà xuất bản mà còn kết hợp với báo chí. Mấy năm nay tại Bỉ, có hình thức kết hợp cùng bán, cụ thể, kết hợp cùng tờ báo, tạp chí, hai bên thảo thuận vào số thứ bảy, chủ nhật chẳng hạn, những ai mua tờ báo này sẽ được tặng thêm một tập truyện tranh, đồng thời trong tờ báo đó sẽ có một số bài giới thiệu hoặc phân tích về truyện tranh đó. Sự hợp tác như vậy một mặt sẽ nâng giá trị của tờ báo, tạp chí và chinh phục lại khán giả của họ, mặt khác nhà xuất bản truyện tranh sẽ có thêm một lượng độc giả mới.

 

Phát triển truyện tranh tại Việt Nam

 

Đối với Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Phạm Quang Vinh cho rằng, trong những năm gần đây, truyện tranh mới bắt đầu vào Việt Nam. Nhưng truyện tranh mới chỉ tiếp cận được với đối tượng độc giả là các em thiếu nhi còn phụ huynh thì gần như “dị ứng” với loại truyện nhiều hình hơn lời này. Có lẽ vì lý do đó mà tại Việt Nam, truyện tranh vẫn chưa có được chỗ đứng trong lòng độc giả.

 

Phát triển loại hình truyện tranh tại Việt Nam còn vô vàn thách thức đặt ra cho các nhà xuất bản. Jean Auquier đưa ra ý tưởng, các nhà xuất bản truyện tranh Việt Nam nên chọn lứa tuổi phù hợp với truyện tranh – đó là lứa tuổi trẻ. Tại sao vậy? Vì loại hình truyện tranh mới phát triển tại Việt Nam nên khi chọn lứa tuổi trẻ, thứ nhất các bạn trẻ sẽ có trao đổi với nhau, sau đó, các bạn lớn lên sẽ truyền tải niềm đam mê cho con của mình. Một thời gian nữa, khi truyện tranh Việt Nam nhắm tới đối tượng người lớn thì các bạn trẻ đó sẽ tiếp tục đọc các truyện tranh của người lớn. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản Việt Nam cũng nên kết hợp chặt chẽ hơn với các tờ báo, tạp chí đăng các seri truyện tranh. Qua đó, các độc giả tờ báo đó làm quen với truyện tranh và dần dần tìm đọc một cách rất say mê.

 

Để một loại hình nghệ thuật thâm nhập được vào đời sống của mỗi dân tộc cần bắt nguồn từ cách nghĩ, cách cảm, gu thẩm mỹ cũng như phong tục tập quán của mỗi dân tộc đó. Với truyện tranh Việt Nam, điều quan trọng, tác giả cũng như các nhà xuất bản nên chọn những nhân vật phù hợp với đời sống tinh thần và tập quán của Việt Nam. Sự phù hợp với thuần phong mỹ tục đó phải thể hiện hài hòa cả phần hình và phần lời của các nhân vật truyện tranh, tránh hình thì đẹp mà lời thì kệch cỡm, cụt lủn. Có như vậy, truyện tranh Việt Nam mới thu hút được các khán giả trẻ, đồng thời chinh phục được cả phụ huynh, tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.

 

 

Theo Thanh Hà/ Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm