Cập nhật: 22/06/2011 17:06:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tối 21-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2011) và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V, năm 2010. Đây là sự kiện báo chí lớn nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm.

Tới dự Lễ trao giải có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước.

 

So với những mùa giải trước, Giải báo chí quốc gia lần thứ V- năm 2010 có 1.321 tác phẩm tham dự ở tám loại giải - số lượng tác phẩm cao nhất từ trước đến nay (các năm trước đều chưa đạt 1.000 tác phẩm).

 

Đây cũng là năm có số lượng đơn vị báo chí tham dự nhiều nhất, số tác phẩm của CTV nhiều nhất, số lượng tác phẩm ảnh báo chí cũng cao nhất.

 

Điểm mới năm nay là các cấp Hội Trung ương (các Liên Chi hội, Chi hội trực thuộc) quan tâm đến giải nhiều hơn (73 đơn vị, so với năm trước chỉ 43 đơn vị tham dự).

 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới các thế hệ làm báo trong cả nước nhân kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong học tập; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam...

 

Trong số 161 tác phẩm vào chung khảo thuộc tám loại giải, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 69 tác phẩm đoạt giải chính thức, trong đó có hai giải A; 24 giải B; 43 giải C và 59 giải khuyến khích. Trong số hai tác phẩm đoạt giải A, một giải thuộc loại Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (báo in) và một giải A thuộc loại Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí (báo in).

 

Hội đồng Giải cũng quyết định trao Giấy chứng nhận cho 33 tác phẩm vào vòng chung khảo nhưng không đoạt giải.

 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V-2010 là những tác phẩm tiêu biểu của các cơ quan báo chí, các cấp Hội. Mặt bằng chất lượng các tác phẩm vào vòng chung khảo năm nay vẫn giữ được như mọi năm, một số tác phẩm có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, nổi trội, gây được tiếng vang trong xã hội, lay động tình cảm, con tim và khối óc công chúng.

 

Báo Nhân Dân vinh dự được nhận các giải: Giải B, Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (báo in) của nhóm tác giả: Phan Thị Hải Phương, Trần Ánh Tuyết, với loạt bài: Mồ hôi nước mắt trong hạt gạo đồng bằng sông Hồng; Giải B, Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) của tác giả Nguyễn Viết Thông (Hội đồng lý luận Trung ương - Cộng tác viên Báo Nhân Dân) với loạt bài: Công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo - những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử và một Giải khuyến khích của nhóm tác giả: Đào Ngọc Dũng (Ngọc Dũng), Lê Bảo Trung (Bảo Trung), Hoàng Mạnh Hùng (Hoàng Hùng) với loạt bài: “Tam nông” trên vùng đồi, núi.

 

Đây là lần thứ V Giải báo chí được tổ chức với quy mô quốc gia - bắt đầu từ năm 2006, mỗi năm trao giải một lần vào dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6.

 

 

Theo Đình Tuấn/ Nhandan Online

Tệp đính kèm