Tuy thời gian không nhiều, nhưng Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Phú Yên (từ ngày 1 - 3/7), đã tạo cơ hội cho mọi người được chứng kiến, hiểu rõ hơn về nét văn hoá đặc sắc và lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Tài năng những nghệ nhân trẻ
Rất nhiều người dân ở huyện miền núi Đồng Xuân và thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) và cả những du khách đến xem đều rất thích thú khi lần đầu tiên được biết về lễ hội Catê của người Chăm qua chương trình trình diễn lễ hội truyền thống do những nghệ nhân đến từ huyện Bắc Bình và Tháp Chàm (Ninh Thuận) thực hiện. Đây là lễ hội quan trọng nhất và lớn nhất của người Chăm. Người đóng vai trò Sư Cả trong lễ hội Catê của tỉnh Bình Thuận là Cửu Đặng Long An- nghệ nhân trẻ đến từ thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Mới hơn 25 tuổi nhưng An đã làm các nghi lễ với vai trò 1 Sư Cả một cách thuần thục, từ việc cúng ở làng, rước y phục lên tháp, nghi thức mở cửa tháp, tắm rửa Linga và mặt áo cho “Bà”. Anh cho biết, từ rất nhỏ đã được cha là sư cả Cửu Lạc, một nghệ nhân đánh trống nức tiếng làng Chăm Bắc Bình dạy cho cách đánh trống Ghi năng, trống Baranưng, các nghi thức lễ hội Catê của đồng bào Chăm... Vì vậy văn hoá Chăm đã ngấm vào tôi khi còn là một cậu bé bốn năm tuổi. Với An, được trình diễn lễ hội dân tộc mình cho bạn bè khắp nơi biết nét độc đáo của văn hoá Chăm là một vinh dự, tự hào. Cửu Đặng Long An khẳng định: “Văn hoá Chăm sẽ không bao giờ mất đi, vì ở các làng Chăm hiện nay vẫn còn rất nhiều người như cha tôi đang ngày đêm truyền dạy cho lớp trẻ và những người như tôi”.
Theo bà Nguyễn Thi Phương, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh Bình Thuận, nhờ được truyền dạy và đào tạo bài bản nên những nghệ nhân Chăm đến từ huyện Bắc Bình rất giỏi các bộ môn nghệ thuật, như đánh trống, hát múa Chăm cho đến làm nghề thủ công mỹ nghệ... Chính ý thức tiếp nối và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Chăm của những nghệ nhân trẻ như Cửu Đặng Long An, đã góp phần làm cho những làng Chăm Bình Thuận ngày càng có sức sống.
Cần xây dựng những “gia đình nghệ nhân”
Trong đêm khai mạc ngày hội văn hoá các dân tộc Miền Trung Tây Nguyên năm 2011 tại thành phố Tuy Hoà, hàng nghìn khán giả rất phấn chấn, rộn lòng khi được hoà mình cùng nhịp chiêng, tiếng trống rộn rã của màn hoà tấu chiêng xoang do những nghệ nhân Bana đến từ phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum biểu diễn. Những chàng trai cô gái khép vòng xoay quanh cây Nêu trong nhịp chiêng rộn ràng, hòa với màn nhảy múa của con rối mà người Bana gọi là “Đấng phiêu nhân”. Đạo diễn toàn bộ chương trình này là do nghệ nhân Y Blơn, cô giáo Bana nay đang ở tuổi 60. Điều đáng mừng là trong đoàn biểu diễn nghệ thuật này có hơn 20 người, nhưng tất cả đều là con trai, con gái, con cháu nội, ngoại của Y Blơn. “Tôi biết hát dân ca Bana khi còn rất nhỏ. Từ 5 tuổi mẹ cũng đã dạy tôi và các anh chị em biết dệt. Khi lớn tuổi, tôi lại truyền dạy những gì mình học được cho các con, các cháu ruột của mình. Đứa nào chưa biết hát, tôi dạy hát, chưa biết làm và sử dụng nhạc cụ dân tộc tôi dạy làm, đứa nào chưa biết múa xoang tôi dạy múa... Cứ mỗi dịp liên hoan văn hoá được tổ chức tại địa phương, khu vực, hay trung ương, tôi lại tập hợp con, cháu luyện tập và đưa đi biểu diễn để giới thiệu những cái hay cái đẹp của dân tộc mình. Cây có cội, suối có nguồn, dân tộc mình mà không biết văn hoá truyền thống thì coi như mất gốc. Khi các cháu biết tự hào về cái hay, cái đẹp của dân tộc mình, chúng sẽ ý thức gìn giữ và phát huy. Y Lex cháu gọi Y Blơn Dì nói: “Cháu rất vui khi được biểu diễn cho bạn bè các nơi xem. Ngoài học múa xoang, lần này được bà dạy hát giao duyên, vì vậy mới tham gia hát giao duyên với cậu của mình trong ngày hội”.
Ông Đỗ Quang Sực, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá triển lãm tỉnh Kon Tum cho hay, hiện tỉnh chưa có những chính sách để đầu tư cho các gia đình như Y Blơn. Nhưng qua đây cho thấy, muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, rất cần những gia đình như Y Blơn.
Việc cần làm
Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đang trăn trở về nguy cơ mất đi những giá trị văn hoá truyền thống. Điều này là có thật. Nhiều làng dân tộc thiểu số giờ đây không còn người biết đan; thiếu nữ dân tộc không biết làm bộ váy truyền thống của dân tộc mình để mặc trong các dịp lễ; nhiều thanh niên không biết đánh cồng chiêng...
Bà Nguyễn Thi Phương, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có sáng kiến thành lập các “Câu lạc bộ cùng sở thích”, tập hợp những nghệ nhân Chăm yêu thích nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau và tổ chức họ thành những đội nhóm và mời nghệ nhân về truyền dạy. Chính những đội nhóm này sẽ phục vụ du khách tại các Resort của tỉnh để giới thiệu về văn hoá Chăm. Bà Phương cho biết thêm: “Nghệ nhân vừa có thể gìn giữ, phát huy được vốn văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm vừa có thể “sống” được với nghề một cách đầy đủ thì không gì bằng!”.
Theo ông ông Đỗ Quang Sực, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá triển lãm tỉnh Kon Tum, tỉnh thường xuyên tổ chức liên hoan cồng chiêng. Đây là dịp thu hút người dân đến với các sinh hoạt văn hoá, đặc biệt là giới trẻ. Từ đam mê họ tự tìm đến học và gìn giữ. Quan điểm của ông Sực, việc cần làm là “không làm gì cả”, bởi theo ông, người làm văn hoá không nên can thiệp quá sâu vào các hoạt động, mà chỉ nên tạo thêm nhiều cơ hội cho họ và định hướng họ về những đặc trưng văn hoá của đồng bào, để chính họ tự quyết trong việc gìn giữ và phát huy nó như thế nào.
Tại Phú Yên, đã có nhiều việc làm để bảo tồn, gìn giữ những nét văn hoá truyền thống các dân tộc. Cùng với việc tổ chức ngày hội văn hoá các dân tộc đến việc lưu giữ các sản phẩm bằng băng đĩa, mở các lớp truyền dạy nghề đan, dệt cho thanh niên, phụ nữ dân tộc, hiện nay ngành văn hoá Phú Yên đang tính đến việc lựa chọn những nghệ nhân tiêu biểu truyền dạy lại cho những thanh niên trong làng yêu thích và có tâm huyết văn hoá truyền thống làm hạt nhân để nhân rộng trong cộng đồng. Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Phú Yên cho rằng, qua ngày hội văn hoá thể thao và du lịch Miền Trung - Tây Nguyên, mới thấy sự phong phú, đa dạng và độc đáo văn hoá các dân tộc. Để việc gìn giữ phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cần sự nỗ lực của ngành văn hoá từ Trung ương đến địa phương và các ngành liên quan. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức gìn giữ của mỗi người dân trong cộng đồng các dân tộc.
Theo Phương Nam( CTV)
Báo Điện tử ĐCSVN