Đối với người dân Nam Bộ, dân ca từng là món ăn tinh thần không thể thiếu. Có diện mạo đặc trưng riêng, khác biệt với những làn điệu dân ca của các vùng miền khác trong cả nước, dân ca Nam Bộ là tổng hòa của nhiều tính cách tạo nên những mới lạ trong giai điệu, tiết tấu, ca từ.
Di sản của cha ông để lại
Theo NSƯT Nhất Sinh, dân ca Nam Bộ gồm có cả dân ca Việt, Khmer, Hoa và dân ca của một bộ phận dân tộc Chăm sinh sống ở vùng đất này. Chỉ riêng hát Lý Nam Bộ đã cho thấy sự “giàu có” đến vô cùng tận của dân ca Nam Bộ. Từ lý con cóc, lý con nhái, lý con cá trê, lý con cua, lý con khỉ, lý chim quyên… đến lý bánh canh, bánh bò… Hò thì có hò trên cạn, dưới nước, đối đáp… Bên cạnh đó còn có hát huê tình, hát ru, hát đưa linh… Tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa với giá trị nghệ thuật độc đáo.
Dân ca Nam Bộ cũng phong phú về thể loại, như hò, lý, hát đồng dao, nói thơ, nói vè, hát đưa em, hát sắc bùa… Đa dạng, phong phú đến thế, nhưng dân ca Nam Bộ không tách rời mà thống nhất với dân ca các vùng miền khác trong cả nước ở chủ đề của thể loại. Trong đó, chủ yếu là các mảng chủ đề yêu đương của nam nữ thanh niên, tình nghĩa của người lao động trong các mối quan hệ gia đình và xã hội…
Mỗi khi nghe những làn điệu dân ca Nam Bộ, chúng ta cảm nhận được hơi ấm thường ngày của cuộc sống, nhớ về quê hương, nguồn cội, phong tục và tập quán của nhân dân lao động qua các thời kỳ khác nhau.
NSƯT Nhất Sinh cho rằng, thông qua phương tiện truyền miệng, dân ca Nam Bộ đã được mài giũa thành “ngọc” trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nó dạy cho con người sự trong sạch và nghiêm túc về tình cảm, lòng dũng cảm và sự nhân hậu. Đó cũng chính là di sản của cha ông ta để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguy cơ mất dần đất sống...
Không những là tấm gương sáng để mỗi chúng ta soi bóng tìm lại mình, tìm lại cái bản chất của chính mình, của dân tộc, dân ca Nam Bộ còn là cơ sở nuôi dưỡng và cung cấp nhựa sống cho thế hệ trẻ ngày nay. Thế nhưng, thực tiễn đáng ngại hiện nay là một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ ngày càng xa rời âm nhạc truyền thống. Đặc biệt là nhu cầu nghe và hát những làn điệu dân ca trong giới trẻ ngày càng ít đi.
Nghiên cứu về thực trạng, nhu cầu nghe và hát dân ca trong giới trẻ TP.HCM hiện nay, NSƯT Trần Chính cho biết, dân ca đã không còn hấp dẫn công chúng, đang dần bị lãng quên. Giới trẻ không thích hát dân ca, nhất là dân ca chính gốc. Mặt khác, không gian diễn xướng của các loại hình như hò, lý, hát huê tình… cũng không còn. Hình ảnh người mẹ, người bà hát dân ca ru con vào giấc ngủ dần dần ít đi; thay vào đó là những chiếc nôi tự động bằng điện, máy nghe nhạc… cũng có thể ru con trẻ đi vào giấc ngủ. Điều này đồng nghĩa với việc những bài hát ru không còn không gian để diễn xướng, dẫn đến hiện tượng vắng bóng dần trong đời sống.
Không những không gian của dân ca bị thu hẹp, đối tượng sử dụng các bài dân ca cũng ngày một ít đi. Nam nữ thanh niên ngày nay không còn tỏ tình, trao đổi hàng tiếng đồng hồ trên sông nước của lối hát huê tình, hò huê tình; phụ nữ cũng không còn tự sự bằng những điệu hò, câu hát ru con; nhận thức của giới trẻ về dân ca bị hạn chế… NSƯT Trần Chính cho rằng, tài liệu về dân ca Nam Bộ cũng rất khó tìm, đến các nhà sách, thư viện trên địa bàn TP.HCM gần như không tìm được tài liệu nào mới xuất bản gần đây.
Là một kho tàng tinh hoa văn hóa quý giá, thế nhưng nghệ sĩ thiếu nơi biểu diễn, người yêu mến thiếu nơi thưởng thức, giới trẻ xa dần những bản dân ca gốc… Đó là những dấu hiệu cho thấy dân ca Nam Bộ đang có nguy cơ mất dần “đất sống”. Do đó, vấn đề bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân ca Nam Bộ cần được thực hiện triệt để, nhằm trả lại “đất sống” cho dân ca Nam Bộ.
Chúng ta luôn muốn giữ lại những gì cha ông chúng ta đã chắt chiu, sáng tạo và truyền lại từ đời này đến đời khác, đã chịu thử thách của thời gian, đã có một giá trị nghệ thuật, đã được đại đa số người dân Việt chấp nhận mà chúng ta có thể coi đó là một “của báu” của dân tộc Việt Nam. Dân ca là một trong những di sản phi vật thể đáng gìn giữ. (GS.TS Trần Văn Khê)
Theo Hoàng Hải/Văn Hóa Online