Quan âm Phật đài bây giờ nổi tiếng linh thiêng ở cố đô Huế. Các dịp sóc vọng, vía Quan Thế âm, lễ, tết, hay ngày nghỉ cuối tuần, người khắp nơi nườm nượp đổ về cầu phúc, cầu lộc…
Quan âm Phật đài được dựng trên đỉnh núi Tứ Tượng thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Từ chân đài lên đến đỉnh tượng, tính ra cao chừng 18m. Nhiều năm trước, thỉnh thoảng, chúng tôi có dịp theo chân Thượng tọa Thích Từ Phong, trụ trì chùa Thiên Hương, Thủy Xuân, TP Huế và là người coi sóc Quan âm Phật đài, leo lên núi Tứ Tượng, quét dọn, ở lại một đêm rồi về. Hồi ấy, núi hoang vu và gần như trơ trụi, chỉ lơ thơ cây bụi, nước nôi chẳng có, đường lên núi trượt trơn đá sỏi, xung quanh vắng hoe... Mấy thầy trò lỉnh kỉnh nước, gạo, đậu, đường..., đẩy xe đạp lên đến đỉnh núi, sau đó người quét, người phát quang bớt cây dại, người lo hốt rác, tái lập “trật tự” cảnh quan. Từ trên đỉnh núi, Thượng tọa Từ Phong chỉ cho chúng tôi hình 4 ngọn núi như hình 4 con voi chụm lại, núi có tên Tứ Tượng là vì vậy. Quan Âm Phật đài tọa lạc ở vị trí tại đỉnh đầu của 1 trong 4 con voi đó...
Thượng tọa Từ Phong bây giờ đã khuất núi. Quan âm Phật đài đã được Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Hòa thượng Thích Khế Chơn quản lý. Cảnh sắc đã được tôn tạo nhiều. Tượng được tu sửa phần chính diện; nhà cửa, phòng ốc được xây dựng thêm; bên trong chân đài được tôn trí thêm bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ... Núi Tứ Tượng cũng đã không còn trơ vơ sỏi đá mà đã được ấp ôm bởi bạt ngàn màu xanh của rừng thông. Những năm gần đây, khách thập phương tham quan, vãng cảnh, chiêm bái ngày càng nhiều. Quan âm Phật đài dần trở thành một địa danh nổi tiếng linh thiêng ở đất cố đô. Các dịp sóc vọng, vía Quan Thế âm, lễ, tết, hay ngày nghỉ cuối tuần…, người khắp nơi nườm nượp đổ về cầu phúc, cầu lộc. Tết vừa rồi cũng không ngoại lệ. Người đến Quan âm Phật đài không hôm nào ngớt. Hương được thắp rải từ chân lên đến đỉnh núi, suốt dọc hai bên đường đi. Ai cũng thành kính hướng lên Bồ tát Quan Thế âm, cầu mong một năm mới được an lành và nhiều hỷ sự. Nhiều người còn cầm trên tay chai nước suối và mấy nén nhang rì rầm khấn vái, mong Bồ tát ban nước “cam lồ” để tẩy trừ khổ đau, tật bệnh... Cũng không biết tự bao giờ, việc mang theo nước đến Quan âm Phật đài để cầu “cam lồ” như vậy đã trở nên không thể thiếu của hầu hết những người đến với thành tích này. Quan âm Phật đài giờ đã hình thành thêm một địa chỉ du lịch văn hóa - tâm linh cho Huế.
Theo Hiền An/ Báo daibieunhandan.vn