Trước “tối hậu thư” của Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột, rằng sẽ tự sửa mái chùa nếu chính quyền không vào cuộc, lãnh đạo quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định, chùa chưa xuống cấp nghiêm trọng.
Đầu tháng 5, Đại đức Thích Tâm Kiên gửi đơn tới lãnh đạo Hà Nội và các cơ quan liên quan đề nghị trùng tu, tôn tạo chùa vì di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đơn còn nhấn mạnh: “Kể từ hôm nay (tức 2/5), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, chùa và nhà Mẫu đã bị dột nhiều nơi. Cứ mưa to là tượng Phật phải trùm áo mưa và sân chùa ngập úng. Do vậy nhà chùa rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới.
“Tôi phải làm như thế do các cơ quan chức năng chậm tiến hành trùng tu. Đơn xin trùng tu tôn tạo đã được gửi cách đây 5 năm, nhiều lần tôi đã có ý kiến. Vì bức xúc quá tôi mới rung lên một tiếng chuông cảnh báo như vậy. Chùa không phải là di tích của riêng tôi, việc giữ gìn là của chung trong đó các cấp chính quyền phải có trách nhiệm”, Đại đức Thích Tâm Kiên nói.
Cũng theo Đại đức Thích Tâm Kiên, trong dự án tôn tạo di tích bao gồm tu bổ Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, chùa Một Cột, nhà chùa còn cần xây mới Nhà Tổ, Nhà Tăng. Hai công trình này rộng khoảng 250 m2 nằm bên cạnh chùa Một Cột. Quận Ba Đình đã lấy ý kiến các ban ngành, nhiều lần tổ chức hội thảo mà chưa thể phê duyệt dự án.
"Hiện nay chùa rất chật chột, không đảm bảo sinh hoạt. Các hạng mục đề nghị xây mới là để đáp ứng nhu cầu của nhà chùa và khách thập phương”, Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress chiều 8/5, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết sau khi nhận được đơn kiến nghị của trụ trì chùa Một Cột, UBND quận đã cử cán bộ kiểm tra hiện trạng. Khảo sát cho thấy chùa Một Cột có hiện tượng xuống cấp song chưa đến mức nghiêm trọng.
Phủ nhận việc chính quyền bỏ bê tu bổ di tích trong thời gian dài, lãnh đạo quận Ba Đình cho rằng chùa Một Cột chỉ bị ngập nặng một lần vào năm 2008. Sau đó, quận đã nâng cấp hệ thống thoát nước, sân vườn, tường rào di tích… nên không còn úng ngập. Với các điểm dột, quận Ba Đình sẽ cử người đến đảo ngói.
Đề cập về việc chậm trễ triển khai dự án tu tạo chùa, ông Bình cho biết, đây là di tích đặc biệt của quốc gia nên quy hoạch phải tuân theo đúng trình tự, quận đã tổ chức 3 cuộc hội thảo, xin ý kiến nhiều cơ quan như Bộ Văn hóa, UBND thành phố, Ban quản lý di tích thắng cảnh… nên quá trình hoàn thiện dự án đã kéo dài. Trong tháng 5, quận Ba Đình tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan để khẩn trương phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo.
Về việc xây dựng các hạng mục mới trong khuôn viên chùa, ông Đỗ Viết Bình khẳng định, là di tích đặc biệt nên việc tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột phải tiến hành thận trọng. Việc bảo tồn di tích trên cơ sở nguyên trạng, xây hạng mục mới sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049. Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ.
Tháng 10/2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột. Hiện công trình này là một trong những biểu tượng của thủ đô, là điểm tham quan được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.
Theo vnexpress.net