Olympic London 2012 được xem là một trong những hình mẫu lý tưởng về công tác chuẩn bị, tổ chức một sự kiện thể thao lớn. Đang trong quá trình chuẩn bị tổ chức ASIAD 18, Việt Nam cũng có rất nhiều điều cần tham khảo kinh nghiệm từ việc tổ chức sự kiện này.
Hôm nay (12/6), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic London 2012.
Ông Hoàng Vĩnh Giang Phó Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, Asiad 18 sẽ được tổ chức vào 16 ngày cuối tháng 11/2019 với sự tham gia của khoảng 12.000 HLV, VĐV của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á ở 36 môn thể thao (trong đó có 4 môn thể thao khu vực, 4 môn thể thao bổ sung sau khi xin ý kiến OCA, 28 môn chính thức) và 5.000 phóng viên báo chí truyền hình.
Để bảo đảm hạ tầng cho ASIAD 18, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị về cơ sở thi đấu (sân vận động, nhà thi đấu, làng vận động viên), hệ thống giao thông công cộng (đường cao tốc trên cao, tàu điện ngầm, nâng cấp sân bay…). Với tổng kinh phí tổ chức Đại hội vào khoảng 150 triệu USD. Hiện 70% cơ sở hạ tầng để phục vụ ASIAD 18 đã được xây dựng, 30% còn lại đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc tổ chức Olympic London 2012, Huân tước Lord Green xứ Hurstpierpoit, Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh cho rằng để các công trình hạ tầng đạt hiệu quả tối ưu, đảm bảo an ninh, kiểm soát đám đông đòi hỏi ban tổ chức phải có nhiều kinh nghiệm trong quản lý dự án và tổ chức sự kiện.
Còn theo Công ty Foster + Patner, một doanh nghiệp đã tham gia chuẩn bị, tổ chức Olympic London 2012, để huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thi mô hình đối tác Công-Tư (PPP) là mô hình lý tưởng nhất. Thống kê của Foster + Patner cho thấy 70% dự án hạ tầng phục vụ thể thao do đơn vị nhà nước thực hiện hoàn thành chậm tiến độ, trong khi đó với mô hình PPP thì con số dự án bị chậm tiến độ là 24% và tỷ lệ dự án vượt khung ngân sách cũng thấp hơn so với các dự án do công ty nhà nước thực hiện.
Bên cạnh đó, Foster + Patner khuyến cáo, việc xây dựng các sân vận động, nhà thi đấu, khu huấn luyện VĐV thì cần hướng tới mục tiêu bền vững, dài hạn hiệu quả. Do vậy không chỉ quan tâm tới chi phí đầu tư mà cả tính năng sử dụng dài hạn, đa năng (không chỉ thể thao mà còn tổ chức hội nghị, biểu diễn nghệ thuật…).
Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất Việt Nam muốn học hỏi ở Olympic London 2012 là công tác chuẩn bị lên kế hoạch ngay từ ban đầu, đầu tư vốn ra sao, chiến lược thực hiện như thế nào và đặc biệt di sản để lại cho người dân... Theo ông Giang, để tránh đi vào vết xe đổ của một số quốc gia khi xây dựng các công trình thể thao khổng lồ hậu Olympic bị đắp chiếu hoặc biến thành nơi tham quan. Ban tổ chức London đã xử lý vấn đề di sản này rất tốt và Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm này từ bạn.
Còn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải khẳng định đây không chỉ là cơ hội của nền thể thao mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, thu hút khách du lịch… Do vậy công tác chuẩn bị bước đầu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện công tác chuẩn bị của chúng ta mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Do vậy những buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với những quốc gia, doanh nghiệp có kinh nghiệm về tổ chức Olympic, ASIAD như hôm nay là hết sức cần thiết.
Được biết, hiện có nhiều đối tác nước ngoài có nguyện vọng tham gia đầu tư xây dựng các công trình thể thao phục vụ ASIAD 18, tuy nhiên việc lựa chọn đối tác sẽ chỉ được thực hiện sau khi Đề án tổ chức ASIAD 18 do Bộ VHTT&DL hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua.
Theo Chinhphu.vn