Đền được toạ lạc trên đỉnh một quả đồi. Ở cuối thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Đền nhìn về hướng Tây Nam, phía trước là những xóm làng quần tụ và cánh đồng trù phú trong một thung lũng rộng, xung quanh bao bọc dãy núi thấp thường được gọi là dãy Đá Đen. Bên phải và phía sau là hồ chứa nước Thanh Lanh, bên trái là dãy núi Trung Sô, nối liền với núi non trùng điệp thuộc sơn hệ Tam Đảo.
Đền Thượng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII thời Lê Trung Hưng. Đền thờ 4 vị sơn thần là: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, U Sơn Đại Vương. Theo truyền thuyết, Tản Viên Sơn Thánh là con rể của vua Hùng thứ 18 và là Thống lĩnh quân đội nhà Hùng; Cao Sơn, Quý Minh là hai bộ tướng thân cận của Tản Viên; ba vị đều có công lớn trong thời kỳ dựng nước của nhân dân ta. Riêng vị thần U Sơn có lẽ là một vị thần linh "bản xứ' được tạo nên từ tín ngưỡng thờ thần núi ứng với việc cai quản vùng đồi núi thâm u, tĩnh nặng nơi đây. Ngài đượ tôn làm "U Sơn tôn thần" xếp sau Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh và đều được thờ làm thành hoàng làng.
Sau này trong việc thờ tự ở đền Thượng đã bổ sung thêm tín ngưỡng thờ mẫu để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Mặt bằng đền có kết cấu hình chữ nhị(=) gồm: Toà tiền tế 3 gian, kích thước 3,7m x 6m, tường hồi bít đốc. Vì kèo Ở đây được làm theo kiểu thức quá giang gối tường. Mái ngói với bốn đầu đao cong. Trên nóc có đắp hình lưỡng long chầu nhật. Hai bên toà tiền tế có hai cánh phong trụ biểu . Trên bờ cánh phong đặt đôi sấu đá được trạm khắc khá tinh xảo Trụ biểu được trang trí đơn giản với các hình vẽ hoa văn hoa chanh, cánh dơi, và đắp nổi hình mặt hổ phù và chim phượng chụm đuôi múa, đầu quay ra 4 phía. Toà trung tế gắn với hậu cung kiểu chuôi vồ: Trưng tế 3 gian 2 chất kích thước 13,6m x 7,2m và hậu cung 2 gian có kích thước 4,6m x 4,im, xây tường bao bít đốc. Mái trung tế được làm tiêu chồng diêm 2 tầng 8 mái với các đầu đao đắp hình đầu rồng có bờm tóc toả ra còng vút. Mái lợp ngói mũi truyền thống. Các vì nóc được làm kiểu chồng rường giá chiêng tỳ lực lên 24 cột gỗ chắc khoẻ. Để trang trí cho bộ khung gỗ, những người thợ mộc dân gian còn trạm khắc các hình rồng, vân xoắn và hoa lá cách điệu lên hầu hết các con rồng, các kẻ, bẩy, dép hoành và những cấu kiện bằng gỗ khác nhằm làm giảm ấn tượng nặng nề của bộ mái đồ sộ, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho ngôi đền.
Ngoài các toà kiến trúc chính, phía trước bên trái toà tiền tế có một nhà hữu mạc, bên trong hiện lưu giữ những mảnh bia vỡ. Bên phải toà trung tế còn có một nhà phụ dùng làm nơi nấu nướng nước nôi cho nhà đền.
Có thể nói, ngôi đền tuy mới được phục hồi nhưng vẫn mang dáng dấp một ngôi đền truyền thống. Giá trị kiến trúc của ngôi đền thể hiện ở sự hài hoà, giữa kiến trúc và tổng thể cảnh quan thiên nhiên, không gian đồi núi xung quanh, khiến cho ngôi đền có một vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa cao vợi, khoáng đạt lại vừa gần gũi, gắn bó với cộng đồng làng xã.