Rôm sảy là căn bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt vào mùa hè. Điều trị và phòng tránh rôm sảy thông thường không khó nhưng nếu bệnh để nặng và phát triển thành mụn nhọt, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Nguyên nhân gây ra rôm sảy
Mùa hè thời tiết nóng nực thường gây ra các bệnh về da ở trẻ, trong đó có bệnh rôm sảy. Trẻ dưới 3 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao.
Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ . Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Thoa phấn cho trẻ để ngừa rôm sảy.
Những sẩn nhỏ này mọc thành từng đám và thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi, chẳng hạn như: trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể…
Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng này sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển biến thành mụn mủ và nhọt, chủ yếu là ở các trẻ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ còn có nguy cơ bị viêm da mãn tính (da không tiết mồ hôi) hay viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm).
Điều trị rôm sảy
Với chứng rôm sảy thông thường: nếu trên da trẻ xuất hiện các mảng sần đỏ thì việc đầu tiên là nhanh chóng làm thoáng mát phần da này.
Da trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn như: các nốt rôm to khác thường, chứa nhiều mủ trắng, xuất hiện các mụn nhọt... cần có chế độ chăm sóc thích hợp cho trẻ:
- Nếu chỉ có 1-2 nhọt bắt đầu mọc, dùng cồn iod chấm vào đúng chỗ nhọt hoặc dùng cao tiêu nhọt dán lên. Khi nhọt bắt đầu mềm, đưa trẻ đến các cơ sở y tế để chích mủ.
- Trong trường hợp nhọt mọc liên tiếp và mọc dày thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ tìm ra nguyên nhân.
Một số mẹo chữa rôm sảy:
Thông thường, các bà mẹ có thể sử dụng phấn rôm để chữa rôm sảy cho trẻ. Cách dùng là bôi lên những vùng da bị rôm sảy của trẻ sau khi đã tắm và lau người sạch sẽ. Tuy nhiên, cần lưu ý đến chất lượng và sự kiểm định y tế của loại phấn rôm chọn cho trẻ, tránh tình trạng càng làm bít tắc da trẻ hoặc tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm da phát triển mạnh hơn.
Có thể sử dụng các loại kem có thành phần hydrocortisone (tác dụng trị rôm sảy), hay kem có chứa acid salicylic (tác dụng khô bề mặt da, se lỗ chân lông) để thoa cho trẻ sau khi tắm xong.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số mẹo dân gian như: dùng mướp đắng, gừng tươi, lá dâu tằm… để tắm hoặc bôi lên các vết rôm cho trẻ hàng ngày, cũng rất hữu ích.
Nếu đã thử nhiều cách mà vẫn không giúp trẻ khỏi rôm sảy, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu.
Phòng tránh rôm sảy cho trẻ
Vệ sinh sạch sẽ:
Tắm cho trẻ mỗi ngày để giữ da luôn sạch sẽ, mồ hôi bài tiết dễ dàng. Dùng nước mát để tắm và tắm bằng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, tránh các loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da.
Có thể vắt thêm một quả chanh vào nước tắm hoặc dùng mướp đắng để tắm cho trẻ cũng rất tốt, có tác dụng phòng rôm sảy.
Việc ăn mặc và chế độ dinh dưỡng:
Cho trẻ mặc những quần áo bằng chất liệu mỏng, rộng rãi và nhạt màu.
Tốt nhất là nên chọn các loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi và tránh các loại vải dày, vải nylon bí mồ hôi.
Khi đưa trẻ ra ngoài, nên cho mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và thoa kem chống nắng cho trẻ.
Khuyến khích trẻ uống đủ nước, ăn nhiều các vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi và hạn chế các thức ăn quá ngọt như: chocolate, kẹo bánh…
Không cho trẻ uống bất cứ loại kháng sinh nào khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt:
Tạo cho trẻ một môi trường và chế độ sinh hoạt hợp lý.
Phòng của trẻ nên thoáng mát, rộng rãi. Hạn chế cho trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng ngột ngạt.
Không nên để trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Hạn chế trẻ gãi lên da bị rôm sảy, dễ gây trầy xước làm nhiễm trùng da.
Theo SK & ĐS