Sau những trận lũ lụt tàn phá, đi kèm theo đó là các bệnh dịch như tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết gia tăng. Ngoài ra còn có một số bệnh ngoài da phát triển do ngâm mình, nhất là chân trong nước bẩn, điều kiện vệ sinh kém.
Ngoài việc ăn chín uống sôi để phòng các bệnh nêu trên, chúng ta cũng cần có kiến thức phòng chống một số bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, viêm da, nhiễm ký sinh trùng trên da. Dưới đây là một số bệnh da hay gặp trong mùa mưa lũ.
Nước ăn chân
Thực chất là bị nhiễm nấm Candida và Blastomycet. Do chân tay ngâm trong nước lâu, tế bào sừng bị chết và môi trường ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển. Thương tổn hay gặp ở các kẽ ngón chân, 4, 5 kẽ ngón tay 3, 4. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm khuẩn sưng đau, đi lại khó khăn. Bệnh cũng hay gặp ở người làm nghề quét dọn, công nhân vệ sinh, người nội trợ, giúp việc do thường xuyên phải tiếp xúc với nước, người có bệnh đái tháo đường cũng thường bị nhiễm loại nấm trên. Khi bị bệnh cần hạn chế lội nước, lau chân khô trước khi đi giày dép và điều quan trọng là phải dùng thuốc chống nấm như: castellani, calcream., nizoral, dezor, rửa chân tay bằng xà phòng diệt nấm SAStid hoặc nước quả chanh để tránh tái nhiễm.
Các bệnh nhiễm khuẩn da
- Viêm da mủ:
Do điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, lao động dọn dẹp vệ sinh sau lũ dễ bị tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay, chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ. Khi bị cần phải lau rửa bằng cồn sát khuẩn hoặc betadin. Bôi thuốc sát khuẩn, xanh-mê-ty-len, castellani. Khi thương tổn đã khô thì chuyển sang bôi thuốc mỡ kháng sinh như tetraxyclin, foban, bocidate, fucidin. Uống thuốc kháng sinh để bệnh nhanh khỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.
- Viêm nang lông:
Do thiếu nước sạch để tắm gội, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa. Khi bị bệnh phải sát khuẩn bằng cồn 70 độ, betadin, bôi mỡ kháng sinh và uống kháng sinh kháng tụ cầu như oxaxylin, bristopen, cloxylan; hạn chế gãi, chải đầu nhẹ nhàng, không làm tổn thương da đầu.
- Bệnh viêm kẽ do vi khuẩn (Erythrasma)
Hay gặp ở người béo phì, vị trí thường gặp là hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Cũng do thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ phi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu. Căn nguyên do loại vi khuẩn có tên Corynebacterium minutissimum. Chẩn đoán phân biệt với nấm da bằng cách chiếu đèn huỳnh quang thấy xuất hiện màu đỏ san hô, phân biệt với màu vàng huỳnh quang của nấm. Điều trị bằng bôi dung dịch eryfluid và uống erythromycin 250mg 4 lần/ngày.
- Bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân (pitted keratolysis):
Còn gọi là bàn chân rỗ, bàn chân hà. Tổn thương là những vết lõm đường kính từ 1 - 3mm tập trung thành đám ở lòng bàn chân hay thấy ở gót trước và gót sau không đau không ngứa. Căn nguyên do vi khuẩn có tên gọi Micrococcus Sedentarius. Chẩn đoán không khó, chỉ cần dựa vào hình ảnh bàn chân rỗ. Điều trị ngâm rửa nước muối sau đó bôi mỡ kháng sinh erythromycin hoặc clindamycin và mỡ whitfeld xen kẽ. Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
|
Viêm da. |
Bệnh da do ký sinh trùng
- Bệnh do ấu trùng xâm nhập vào da:
Còn gọi là ấu trùng di trú trên da, bệnh ít thấy ở Việt Nam nhưng cũng không có nghĩa là không có mà do khả năng phát hiện bệnh còn hạn chế. Do trứng của giun, sán tồn tại trong đất cát nở thành ấu trùng và xâm nhập vào da người, di trú trên da với tốc độ vài cm một ngày. Chúng di chuyển ngay dưới lớp sừng tạo thành đường ngoằn ngoèo hơi nổi cao, rộng khoảng 2-3mm. Số lượng tổn thương phụ thuộc vào số lượng ấu trùng xâm nhập. Vị trí hay gặp: cẳng chân, mông, quanh hậu môn, tay. Biểu hiện rất ngứa. Ấu trùng tồn tại trên da trung bình từ 2-8 tuần. Hiếm khi trên 2 năm. Phòng bệnh: tránh tiếp xúc trực tiếp với đất cát chứa phân. Điều trị tại chỗ: bôi mỡ kháng ký sinh trùng albendazol. Uống thiabendazol 50mg/1kg cân nặng trong ngày, từ 2-5 ngày.
- Ghẻ:
Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ. Vị trí hay gặp: kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi, mông, bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách. Hiếm khi thấy ghẻ ở 1/3 trên lưng, mặt. Triệu chứng: rất ngứa. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm khuẩn thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Điều trị: vệ sinh cá nhân và bôi thuốc chữa ghẻ, bôi một trong những loại thuốc sau: DEP, eurax, ascabiol. Điều trị cho cả nhà, những người có biểu hiện ngứa ghẻ. Tẩy uế quần áo, ga gối bằng cách luộc hoặc phơi 3-4 nắng.
Theo suckhoedoisong.vn