Cập nhật: 03/12/2009 22:33:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đi du lịch, đi công tác, về thăm người thân… những chuyến đi lẽ ra rất thú vị, đôi khi lại trở nên đáng sợ đối với nhiều người chỉ vì chuyện "nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn" lúc ngồi trên tàu, xe.

Khi não bộ bị mất phương hướng

Não bộ điều hòa sự thăng bằng của con người qua việc phân tích, so sánh, tổng hợp thông tin từ 3 nguồn trọng yếu: hình ảnh từ thị giác; những cảm nhận vị trí của cơ thể trong không gian bằng các thụ cảm tại da, bắp thịt và xương; những cảm nhận về sự chuyển động của cơ thể tại khu vực tai trong. Chứng say tàu xe bắt nguồn từ việc thông tin của 3 nguồn trên truyền về bị "nhiễu" do không gian xung quanh không cố định mà chuyển động không ngừng khiến não bộ dễ bị… đánh lừa trong việc xác định vị trí, phương hướng.

Hiện tượng này không khác với việc bạn ngồi trong một toa tàu đang nằm chờ trong ga, ở đường tàu kế bên, một đoàn tàu khác vừa lăn bánh, nếu nhìn ra cửa sổ, bạn sẽ có cảm giác chính tàu của mình đang chuyển động. Chính những "bối rối" nhất thời của não bộ đã "kích hoạt" những triệu chứng "nghĩ tới là rùng mình" của say tàu xe.

Nỗi ám ảnh tàu xe

Say tàu xe thường gặp nhất ở trẻ em từ 3 đến 12 tuổi, với người trưởng thành, phụ nữ hay gặp hơn nam giới. Triệu chứng say tàu xe thường diễn ra theo chiều hướng leo thang: bắt đầu bằng cảm giác khó chịu trong người, dễ ngủ gật, buồn nôn. Các bé bình thường vốn hiếu động, hoạt bát, khi "ngấm đòn" say xe sẽ kiệm lời, thụ động, mặt mất dần huyết sắc. Cảm giác chóng mặt, buồn nôn càng lúc càng dữ dội hơn, kèm theo toát mồ hôi, tiết nước bọt và kết cục thường là nạn nhân bị nôn mửa, đôi khi lạnh toàn thân.

Biểu hiện gây… ấn tượng mạnh là thế, nhưng say tàu xe chỉ là một triệu chứng nhất thời, thường chấm dứt khi chuyến hành trình kết thúc và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe. Riêng những người "kỵ" tàu xe lại có tiền căn bệnh tim mạch hoặc tiêu hóa, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xuất hành để có những biện pháp hỗ trợ thích hợp.

 

Nhiều bạn mỗi khi đi du lịch thư giãn, chỉ vừa nghĩ đến hình dáng của chiếc xe là đã căng thẳng tinh thần, hứng thú ban đầu cứ thế theo mây theo gió tan biến tận đâu. Thật ra, đi tàu xe cũng có thể tập thành thói quen, các nạn nhân của chứng say xe có thể bớt say nếu "thực hành" việc đi tàu xe nhiều. "Dĩ độc trị độc", bạn có thể tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng trong thành phố (xe buýt, xe lam), vừa… bảo vệ môi trường, vừa giúp cơ thể quen dần với việc di chuyển xa bằng ô-tô, tàu hỏa… Ngoài ra, các bạn ngại tàu xe cũng có thể tìm đến sự "chi viện" của nhiều loại thuốc chống say xe rất hiệu quả đang được bán rộng rãi tại các nhà thuốc.

Các loại thuốc chống say tàu xe

Thuốc có thành phần Cinnarizine

Thuốc có thành phần Di-acefylline diphenhydramine

Liều dùng: nên uống 1 viên, 30 phút trước khi đi tàu, xe, nửa viên đối với trẻ 2 - 5 tuổi.

Chống chỉ định: người quá mẫn cảm với thuốc, trẻ dưới 2 tuổi.

Thận trọng: phụ nữ có thai, cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Tác dụng phụ: buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa (biến mất sau vài ngày ở hầu hết trường hợp).

Tương tác thuốc: Nếu uống rượu hoặc thuốc ức chế thần kinh trung ương khi dùng thuốc có thể làm tăng tác dụng gây buồn ngủ._(Theo BS Dương Thanh Trắc, Trưởng khoa Khám Bệnh bệnh viện Triều An)

Các bạn hay say tàu xe có thể làm chuyến đi của mình bớt "sóng gió" bằng các phương pháp hiệu quả sau:

Đề nghị với bác tài nếu được thì 1-2 tiếng dừng xe một lần để các bạn hay say được thư giãn, và hạn chế tăng/giảm tốc đột ngột.

Ưu tiên những chỗ gần cửa sổ, ít dằn cho người hay say xe.

Hạn chế đọc sách báo trên xe. Nếu nhìn ra cửa sổ, nên đẩy tầm nhìn ra xa, tránh quan sát lâu xe cộ, vật thể chuyển động xung quanh.

Giữ cho nhiệt độ trong tàu xe vừa đủ mát mẻ, nên mở hé cửa để không khí lưu thông.

" Đánh lạc hướng" cảm giác say xe bằng cách trò chuyện với bạn bè, tổ chức trò chơi tập thể trên xe…

Đêm trước ngày khởi hành, bạn cần ngủ một giấc thật ngon để cơ thể đủ sức chiến đấu với mọi mỏi mệt.

Không nên để bụng đói, đặc biệt khi bạn bị nôn mửa, nếu bụng trống rỗng sẽ gây đau quặn.

 

 

Theo Thanh Niên Online / (www.doctissimo.fr)

Tệp đính kèm