Cập nhật: 06/02/2010 17:08:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mong ước sâu xa của con người vẫn là sống lâu, sống khỏe, sống có ích, nhưng có một hiện tượng cực kỳ bất bình thường vẫn hiện hữu, đó là tuyệt đại đa số người ta chết vì bệnh, rất ít người chết vì già. Vậy làm sao để có được bí quyết sống lâu, sống khỏe?

Ăn uống phù hợp

 

Một lối sống lành mạnh khoa học sẽ tránh được nhiều bệnh mãn tính: giảm được 55% số người tăng huyết áp (THA), xuất huyết não, 75% số người bị nhồi máu cơ tim, 50% số người mắc đái tháo đường, 1/3 số người bị ung thư và tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 10 năm.

 

Thức ăn phù hợp để cơ thể không quá béo cũng không quá gầy, mỡ máu bình thường, máu không quá đặc cũng không quá loãng. Các thức này không phải tìm kiếm đâu xa, phần lớn chỉ là những đồ ăn thức uống rất quen thuộc như: rượu vang đỏ, canh nấm, canh xương; thậm chí cả những thức tưởng rất bình dân nhưng lại có tác dụng đặc biệt tốt vừa bổ dưỡng vừa phòng ngừa được nhiều bệnh như: trà xanh, sữa chua, sữa đậu nành; kiều mạch, khoai lang trắng, khoai lang đỏ, khoai tây, củ từ, yến mạch, kê, đậu, rau như: cà rốt, bí đỏ, mướp đắng, cà chua, tỏi, rong biển... Chẳng hạn 1g rong biển bằng 1.000g tổng hợp các loài rau, nguồn chất dinh dưỡng lại đặc biệt phong phú, toàn diện, cân bằng, kiềm tính.

 

Đương nhiên, không hề xem nhẹ các loại thịt nhưng cũng cần phải biết nên lựa chọn loại thịt nào. Các nhà khoa học nhận thấy động vật càng nhỏ thì chất lượng protein càng tốt. Ăn thịt động vật 4 chân không tốt bằng thịt động vật 2 chân, thịt động vật 2 chân không tốt bằng động vật nhiều chân. Người cao tuổi, nhất là cơ thể suy nhược nên ăn cá, đặc biệt cá bé, tôm bé ăn được cả con, ăn cả đầu lẫn đuôi tốt hơn ăn cá to, tôm to.

 

Cụ thể mỗi ngày, chỉ cần

 

- Uống 100 - 200ml sữa trước khi đi ngủ + 1 viên vitamin C, 1 viên vitamin B tổng hợp. Nếu chưa quen tiêu hóa sữa tươi thì tạm thay bằng sữa chua hoặc sữa đậu nành (tuy hàm lượng canxi trong sữa đậu nành chỉ bằng một nửa trong sữa bò). Nhờ uống “một túi sữa bò mỗi ngày” mà người Nhật ngày nay đã cao bằng người Âu, Mỹ chưa nói đến tác dụng làm tăng trí thông minh, tăng sức đề kháng, chống các bệnh nhiễm khuẩn.

 

- Ăn 200g bột. Hạn chế khẩu phần bột là biện pháp giảm béo tức là giảm các tai biến tim mạch. Nên uống canh trước khi ăn cơm, khiến ta ăn chậm hơn, ăn ít hơn bình thường, dạ dày không quá căng, dáng người thon thả, nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

 

- Vẫn ăn thịt, ăn trứng được nhưng chỉ nên ăn 1/3 lượng bình thường. Ăn thoải mái thì lại có hại, nhất là với người cao tuổi.

 

- Nên thường xuyên áp dụng “chế độ ít nhiệt lượng”. Nên ăn thức thô - mềm – không ngọt - không mặn (như: ngô bung, khoai lang luộc, cháo loãng 1 - 2 bữa/tuần); nên ăn thêm 2 bữa phụ mỗi ngày.

 

- Ăn chừng 400g rau xanh + 100g quả chín. Ăn nhiều rau quả tươi giảm được rất nhiều bệnh ung thư. Những người tính trầm mặc, hay phiền muộn mỗi ngày nên ăn 1 quả ớt chín đỏ (chọn loại ớt không quá cay).

 

- Ăn sống 1 quả cà chua chín mỗi ngày sẽ giảm được 50% số trường hợp viêm hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

- Mỗi ngày uống 50 - 100ml rượu nho đỏ, rượu nếp cẩm (có màu đỏ tím phòng được bệnh xơ cứng động mạch).

- Nên ăn các loại rau, củ, quả có màu vàng, màu đỏ: cà rốt, dưa hấu, khoai lang đỏ, bí ngô, ngô hạt.

- Uống nước chè xanh, nứoc càng xanh càng tốt nhưng không uống quá nhiều, quá đặc.

- Mỗi sáng ăn một bát cháo yến mạch hoặc ăn bánh làm bằng bột yến mạch.

 

- Ăn 5 - 10g mộc nhĩ đen mỗi ngày (xào, nấu canh, đúc chả trứng) hoặc lấy 10g mộc nhĩ đen, 50g thịt nạc, 3 lát gừng, 5 quả táo đen đem sắc lên (như sắc thuốc), thêm ít muối, rồi ăn, ăn liền trong 45 ngày. Ở mức bình thường, mộc nhĩ đen giúp máu lưu thông toàn thân và lên não đầy đủ hơn nên duy trì được trí nhớ, vận hành tốt các bộ phận, các giác quan của cơ thể.

 

Vận động vừa sức

 

Vận động cũng là yếu tố quan trọng cho sức khỏe, trong đó đi bộ là cách rèn luyện sức khỏe tốt nhất cho mọi lứa tuổi, đặc biệt với người cao tuổi. Người Trung Hoa xưa rất có lý khi nhận định: “Nước chảy thì không thối; vận động làm cho thức ăn dễ tiêu hóa, máu được lưu thông, bệnh tật được tiêu trừ”... Không vận động hoặc ít vận động sẽ dẫn đến trì trệ và bệnh tật. Tất nhiên, phải là một chế độ vận động hợp lý phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Khoa học đã chứng minh đi bộ giúp mạch máu mềm trở lại, đồng thời làm giảm mỡ máu. Vậy đi bộ thế nào là tốt nhất? Tốt nhất nên đi bộ trên 3km, thời gian trên 30 phút, mỗi tuần ít nhất 5 lần. Sau khi đi bộ, nhịp tim + số tuổi phải bằng 170. Nếu nhịp tim quá nhanh là quá sức; nếu nhịp tim chậm hơn cần tăng thêm thời gian và độ dài quãng đường đi. Người có bệnh tim, nhất là người cao tuổi, tuổi trung niên nên tập luyện vào buổi chiều tối sau ăn 45 phút. Người cao tuổi nên tự đi bộ lên cầu thang, hạn chế dùng thang máy để giảm đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, xơ cứng mạch vành, THA. Tất nhiên, thời gian đi bộ cần phù hợp tuổi tác, thời tiết.

 

Ngoài đi bộ, người cao tuổi cũng nên tập thái cực quyền, luyện khí công. Theo quy luật đồng hồ sinh học, buổi sáng thân nhiệt cao, huyết áp tăng, nội tiết tố thượng thận cao gấp 4 lần buổi tối. Tập luyện buổi sáng sớm rất nguy hiểm. Buổi sớm chỉ nên đi bộ, thể dục nhẹ, đi thái cực quyền, luyện khí công.

 

Để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp, người cao tuổi nên thực hiện 3 cái nửa phút và 3 cái nửa giờ, đó là: nếu đêm cần thức dậy, hãy nằm yên trên giường nửa phút - ngồi trên giường nửa phút rồi hãy đặt chân xuống đất nửa phút - nửa phút sau hãy đứng dậy đi; buổi sáng đi bộ nửa giờ - buổi trưa ngủ nửa giơ - buổi tối đi bộ nửa giờ.

 

Trạng thái tâm lý

 

Tâm trạng ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát sinh và phát triển các bệnh tim mạch nên thực hiện: hãy quên đi quá khứ, không câu nệ hiện tại, tận hưởng cái sung sướng có được hôm nay, lạc quan yêu đời nhìn về tương lai. Hãy quên tuổi già, quên bệnh tật... một tinh thần cởi mở, yêu đời và tính cách lương thiện, rộng lượng, lao động cần cù, vận động vừa sức sẽ giúp con người trường thọ. Nếu trạng thái tâm lý không tốt thì ăn uống, tập luyện cũng vô ích.

 

Trong lối sống lạc quan thì cười được coi là một tiêu chuẩn sức khỏe, cười không chỉ ở tuổi tác mà là tâm thái. Cười đặc biệt tốt cho đường hô hấp và đường tiêu hóa. Cười tránh được rất nhiều bệnh: thiên đầu thống, đau lưng, viêm khớp, táo bón, ung thư dạ dày, ruột vì khi cười tuần hoàn phát triển. Cuối cùng, người cao tuổi cần coi sức khỏe là trung tâm, có sức khỏe là có tất cả; trong sinh hoạt đời thường cần thoáng một chút: bao dung, thoải mái, tự nhiên đối với mọi người, mọi việc; lấy việc giúp người làm vui, lấy việc hiểu biết làm vui, hài lòng với cuộc sống hiện có.

Như thế, bí quyết sống lâu không phải đâu xa, mà ngay trong tay mỗi người, do chính mỗi người quyết định.

 

 

Theo SK & ĐS Online

 

Tệp đính kèm