Cập nhật: 17/04/2010 08:15:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thế nào là mất ngủ?

Ngủ là trạng thái giảm vận động và giảm sự nhận thức có tính chất xen kẽ với trạng thái thức tỉnh. Đó là sự cần thiết để bảo vệ tế bào thần kinh tránh suy kiệt. Thời gian ngủ cần thiết là 8 giờ trong một ngày, trong đó không dưới 5-6 giờ ngủ vào ban đêm.

Trong y học, người ta định nghĩa mất ngủ là tình trạng ngủ không đủ về thời lượng và chất lượng, kéo dài trên 3 tuần liên tiếp. Những người bị mất ngủ cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu và không được lâu. Gọi là khó đi vào giấc ngủ nếu nằm trên giường quá 30 phút mà không ngủ được. Cũng có khi người bệnh ngủ rất dễ nhưng lại thức dậy quá sớm, ta gọi đó là ngủ không được lâu. Tình trạng này làm thu hẹp thời lượng ngủ, rút ngắn thời gian hồi phục. Cần chú ý là hiện tượng dễ thức song cũng dễ ngủ không được coi là mất ngủ vì ngay sau đó họ lại đi vào giấc ngủ ngon lành. Mất ngủ là một bệnh chứng có tỷ lệ xuất hiện cao và gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của hàng triệu người.

 

Những bệnh lý liên quan đến mất ngủ

 

Đôi khi mất ngủ do căng thẳng quá mức gây ra, nhưng cũng có khi nó là bạn đồng hành của các rắc rối về sức khỏe, tiềm ẩn những nguy cơ về bệnh lý. Chẳng hạn như:

 

* Bệnh lý tim mạch - rối loạn giấc ngủ có mối liên hệ hai chiều với các bệnh "thời đại", những bệnh lý này gồm: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có một mối liên quan chặt chẽ giữa mất ngủ và bệnh lý hệ cơ quan trên, đó là do hiện tượng hồi hộp, đau thắt ngực làm người bệnh không ngủ được.

 

* Bệnh lý hô hấp - người ta thấy rối loạn giấc ngủ thường hay gặp ở những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Các rối loạn bệnh lý ở phổi là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng giấc ngủ. Có lẽ là do sự giảm oxy huyết và tăng carbonic nên khiến người bệnh mất ngủ. Hiện tượng khó thở được xem là một trong các nguyên nhân chính.

 

* Bệnh lý thận tiết niệu - các bệnh lý thận, tiết niệu cũng hay song hành cùng với mất ngủ. Đặc biệt, ở những bệnh nhân bị suy thận có tỷ lệ mất ngủ cao gấp 10 lần so với những người bình thường. Tăng urê huyết, các thay đổi về tâm lý, các cơn đau mạn tính được coi là những cơ chế chính gây ra mất ngủ ở những người này.

 

* Các rối loạn dạ dày ruột - hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày là những thành phần bệnh lý điển hình gây ra tình trạng mất ngủ. Người ta lý giải chính những triệu chứng của các bệnh lý trên gây ra hiện tượng mất ngủ, cụ thể như: hiện tượng bỏng rát thực quản, nóng rát sau xương ức, đau bụng lâm râm.

 

* Bệnh lý thần kinh - mất ngủ là hiện tượng "hình và bóng" của các thương tổn thần kinh. Ba bệnh lý quan trọng nhất là thiếu máu não, u não và động kinh. Cơ chế gây ra mất ngủ ở mỗi bệnh là khác nhau. Nhưng chung quy lại, nó đều là biểu hiện các tế bào não đang bị bệnh lý.

 

Chính vì vậy, khi bị mất ngủ kéo dài như nói trên, cần đi kiểm tra sức khỏe để được đánh giá chính xác bệnh lý nào đang tiềm ẩn gây ra mất ngủ.

 

Bs Yên Lâm Phúc

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm