Cập nhật: 21/05/2010 15:14:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bàn tay là bộ phận của cơ thể tiếp xúc với nhiều thứ nhất, do vậy, nó rất dễ làm chúng ta lây nhiễm bệnh.

Nhiễm khuẩn bệnh viện do bàn tay

 

Ngày 5.5 hằng năm là ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động toàn cầu chiến dịch “Bảo vệ sự sống hãy rửa tay”. Hưởng ứng chiến dịch này, Hội đồng Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện đã phát động việc rửa tay trong cán bộ nhân viên, khuyến cáo tăng cường thực hành vệ sinh bàn tay trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân, nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cho bệnh nhi.

 

Tại buổi phát động, các bác sĩ cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, gia tăng chi phí khám chữa bệnh do phải kéo dài ngày nằm viện và tăng sử dụng thuốc kháng sinh ở người bệnh. Tuy nhiên, phần lớn các nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được nếu có sự quan tâm của hệ thống y tế, của các bệnh viện và các cán bộ y tế. Hiện, tỷ lệ nhiễm khuẩn ở một số bệnh viện còn cao, trung bình từ 5,3%-10%. Đặc biệt, tại một số khoa như tim mạch, cấp cứu… thì tỷ lệ nhiễm khuẩn lên đến 30%. Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng: “Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa bệnh là rửa tay”.

 

Và gây ra nhiều bệnh khác

 

* Theo các bác sĩ, trong môi trường bệnh viện, việc rửa tay đúng kỹ thuật sẽ giúp loại trừ tối đa vi khuẩn và tránh nhiễm khuẩn chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, hoặc người bệnh với thân nhân nuôi bệnh, thăm bệnh. Rửa tay đúng sẽ giúp giảm 50% số ca nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn cũng giảm một nửa...

 

Bác sĩ Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm mỗi lần tham dự các buổi họp, hội thảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đều đưa ra nội dung có tiêu đề “phóng sự bàn tay”, nhằm mục đích muốn cảnh báo rằng, ai cũng tưởng bàn tay sạch sẽ, nhưng trên  thực tế, bàn tay luôn hiện diện vi khuẩn, vi trùng. Theo ông, đôi bàn tay của chúng ta hằng ngày tiếp xúc với quá nhiều thứ, từ cầm nắm vật dụng, bắt tay, hay đụng chạm vào những “nơi tế nhị” của cơ thể. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn, nhất là món ăn cho trẻ nhỏ, cần phải rửa sạch đôi bàn tay trước khi chế biến, sau khi đi tiêu tiểu, trước khi ăn cũng cần rửa bàn tay dưới vòi nước sạch.

 

Hiện nay đang là thời điểm xảy ra nhiều ca bệnh “tay chân miệng”, bệnh viêm não, màng não… ở trẻ em, thì việc giữ sạch đôi bàn tay rất quan trọng. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM): “Những bệnh nhiễm nói trên lây lan qua đường tiêu hóa. Do vậy, cần giữ vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, sinh hoạt -  người trực tiếp chế biến thức ăn cho trẻ phải rửa tay cho sạch trước khi chế biến, hay chăm sóc trẻ; không để trẻ bò chống tay dưới sàn nhà dơ bẩn”. Tương tự, bệnh tiêu chảy, bệnh tả cũng đang diễn ra nhiều trong mấy tuần qua, nhất là ở TP.HCM, nguyên nhân của bệnh này là do không đảm bảo vệ sinh trong ăn uống. PGS.TS Nguyễn Trần Chính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho rằng: “Để phòng tả, cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi, và rửa tay sạch trước khi ăn là hiệu quả nhất. WHO đã đúc kết điều này”…

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm