Cập nhật: 26/02/2011 09:51:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết họ đã tìm ra phương pháp mới giúp chữa trị chứng rụng tóc một cách hiệu quả, theo Gizmag.

Nghiên cứu trên là công trình hợp tác của các chuyên gia thuộc Đại học California - Los Angeles (UCLA) và Hội cựu chiến binh Mỹ. Mục tiêu ban đầu của nghiên cứu là tìm hiểu ảnh hưởng của stress lên chức năng tiêu hóa của dạ dày/ruột. Nhưng trong quá trình thí nghiệm, họ đã tình cờ tìm thấy một hợp chất hóa học giúp kích thích mọc tóc bằng cách chặn các hormone gây stress tác động đến sự rụng tóc.

 

Lâu nay, giới khoa học thừa nhận rằng trong số các nguyên nhân dẫn đến chứng rụng tóc, stress đóng một vai trò quan trọng. Dù nhiều phương pháp điều trị đã được phát triển, nhưng đến nay hầu hết đều không đem lại hiệu quả như mong muốn. Theo nhóm nghiên cứu, hợp chất hóa học mà họ mới tìm ra có khả năng kích thích tóc mọc lâu dài sau chỉ thời gian ngắn điều trị.

 

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này trên những con chuột được biến đổi gien để sinh ra nhiều hơn lượng hormone gây stress có tên gọi corticotrophin-releasing factor (CRF). Khi con chuột già đi, có những mảng lông rụng trên lưng chúng. Lúc này, nhóm nghiên cứu tiêm chất astressin-B - một hợp chất có tác dụng ngăn chặn hoạt động của CRF - vào cơ thể con chuột rồi thả chúng vào trong đàn chuột bình thường.

 

Ba tháng sau, khi nhóm nghiên cứu định bắt những con chuột “hói” ra để thực hiện tiếp các thử nghiệm về chức năng tiêu hóa của dạ dày/ruột, họ đã không thể nhận biết đâu là chuột thường, đâu là chuột bệnh vì tất cả đều giống nhau, nghĩa là những con chuột bị rụng lông đã mọc lông đầy đủ trở lại. “Astressin-B chính là yếu tố giúp những con chuột hói hồi phục lại lông trên lưng”, giáo sư Million Mulugeta thuộc UCLA và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Theo ông, liều lượng 1 mũi tiêm/ngày trong 5 ngày liên tiếp cho tác dụng đến 4 tháng. Nếu đối chiếu với tuổi thọ khoảng 2 năm của chuột, đây là một khoảng thời gian đáng kể.

 

Các nhà nghiên cứu nhận định, nhiều khả năng chất astressin-B sẽ có tác dụng trên người như nó đã tạo ra trên chuột.

 

Theo Thanh Niên Online
Tệp đính kèm