Các khoa cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng đau bụng dữ dội, tím tái, đi ngoài ra máu do bị xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân là do dùng thuốc giảm đau kéo dài.
Qua khai thác bệnh sử, các bệnh nhân này thường hay bị đau đầu hoặc đau mình mẩy và đã uống thuốc giảm đau phối hợp hai hoạt chất là paracetamol và ibuprofen bất kể lúc no hay đói và thường dùng trong một thời gian dài cho đến khi đỡ đau mới thôi.
Không an toàn như quảng cáo
Khi bị đau đầu cần đi khám để tìm nguyên nhân điều trị, việc tự ý dùng thuốc có thể nguy hiểm tới tính mạng. Trên thị trường, thuốc kết hợp hai thành phần là paracetamol (thuốc giảm đau, hạ sốt) và ibuprofen (thuốc chống viêm non - steroid - NSAID) có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và chống viêm nhanh được bán khá phổ biến không cần kê đơn. Tuy nhiên, thuốc có rất nhiều tác dụng phụ như gây rối loạn thần kinh (nhức đầu, chóng mặt), dị ứng ở da (nổi mẩn, ngứa), phù, rối loạn thị giác (nhìn mờ, rối loạn màu)… và đặc biệt có tới 5 - 15% số trường hợp khi dùng thuốc gặp tai biến trên đường tiêu hóa: trướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là làm loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột...
Trong quy định tại thông tư 31 có hiệu lực từ tháng 8/2011 của Bộ Y tế, dạng thuốc phối hợp paracetamol và ibuprofen được sử dụng ở cả 4 cấp bệnh viện. Tuy nhiên, do dạng bào chế nếu chỉ có paracetamol đơn chất hoặc ibuprofen đơn chất rất rẻ nên khi phối hợp 2 thành phần trong một viên thuốc thì giá thuốc tăng lên nhiều. Hiện nay, các biệt dược của thuốc này có rất nhiều loại và chủ yếu bán qua kênh OTC, có nghĩa là bán tại nhà thuốc không cần có chỉ định của thầy thuốc. Trong thực tế, người dân có thể tự do mua loại thuốc này với số lượng không hạn chế mà không cần đơn. Chính vì thế mà nó dễ bị lạm dụng và nhiều người đã bị những phản ứng có hại rất nặng khi dùng loại thuốc này kéo dài.
Sự kết hợp của ibuprofen và paracetamol ở liều điều trị hợp lý sẽ an toàn hơn khi sử dụng hai viên riêng rẽ và lại cho hiệu quả giảm đau cao hơn. Thuốc được chỉ định giảm đau kháng viêm trong các trường hợp: đau cơ, đau khớp do chấn thương, thấp khớp, viêm thần kinh (đau lưng, vẹo cổ, bong gân, căng cơ quá mức...), điều trị nhức đầu, cảm sốt, đau răng, đau bụng kinh... Tuy nhiên, cần chú ý đến những tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Hay gặp nhất là tác dụng phụ về đường tiêu hóa do ibuprofen có thể gây trướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là làm loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột... Vì vậy, những người bị loét dạ dày tiến triển, mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc, suy gan, suy thận nặng không được dùng. Ngoài ra, thuốc có thể gây rối loạn thần kinh (nhức đầu, chóng mặt), dị ứng ở da (nổi mẩn, ngứa), phù, rối loạn thị giác (nhìn mờ, rối loạn màu) và giảm thị lực do ngộ độc thuốc...
Người bệnh bị suy tim, suy gan, suy thận, bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu, và đặc biệt là người già khi dùng dạng thuốc phối hợp này cần theo dõi thật kỹ sự bài tiết nước tiểu và chức năng thận. Với những người điều khiển phương tiện giao thông và sử dụng máy móc, cần lưu ý về nguy cơ bị chóng mặt khi dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc này trong quý 3 của thai kỳ (vì nguy cơ nhiễm độc thai) và vào cuối thai kỳ (vì nguy cơ gây xuất huyết ở mẹ và con do tác dụng ức chế chức năng tiểu cầu của ibuprofen, làm tăng nguy cơ chảy máu). Nếu người bệnh thấy nhìn mờ, giảm thị lực hoặc rối loạn về cảm nhận màu sắc thì phải ngừng dùng thuốc. Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước to (khoảng 200 - 250ml).
Những cảnh báo cần thiết
Cần đặc biệt chú ý đây là loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn mà không nên kéo dài. Nếu bạn lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ rất dễ mắc các tai biến nguy hại tới sức khỏe của bạn. Vì bản chất của thuốc chính là paracetamon, dùng với liều lượng nhiều và thường xuyên sẽ dẫn đến tổn thương gan do tăng men gan khiến bạn dễ mắc các virút viêm gan và thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Khi bị đau do các nguyên nhân, nếu cấp tính buộc phải dùng thuốc giảm đau ngay thì chỉ dùng trong một thời gian ngắn với liều lượng ghi trong bao bì của thuốc. Để giảm đau bền vững phải điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh. Vì vậy, phải đến cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị phù hợp.
Thuốc kết hợp tác động giảm đau và kháng viêm của ibuprofen và tính chất giảm đau của paracetamol do ức chế sự tổng hợp hay sự phóng thích prostaglandin bởi ibuprofen nên tác động giảm đau đạt được tối đa. Nó có tác dụng giảm các cơn đau cơ xương nhẹ đến trung bình như đau cổ, đau vai, đau lưng, căng cơ bắp tay hoặc bắp chân, cứng cơ cổ, viêm khớp, thấp khớp, viêm bao hoạt dịch, bong gân, viêm gân. Giảm nhức đầu vì căng thẳng tinh thần, đau bụng kinh, nhức răng, đau sau nhổ răng và tiểu phẫu.
Chống chỉ định cho bệnh nhân dị ứng với paracetamol, ibuprofen, aspirin, các kháng viêm không steroid khác; loét tiêu hóa tiến triển; bệnh tim, gan, thận; hen hoặc co thắt phế quản; rối loạn chảy máu.Cảnh báo khi dùng các NSAID: ibuprofen có thể gây ra phản ứng dị ứng nặng, đặc biệt ở những người dị ứng aspirin. Nếu bị dị ứng, ngưng dùng thuốc và đi khám bác sĩ ngay. Các thuốc có chứa thuốc kháng viêm không steroid có thể gây xuất huyết dạ dày nghiêm trọng. Nếu bị khó chịu ở dạ dày, nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc sữa.
Cảnh báo về ADR cho gan khi dung các thuốc có chứa paracetamol: tổn thương gan nặng có thể xảy ra nếu uống nhiều hơn 4g paracetamol trong 24 giờ, đây là liều dùng hàng ngày tối đa; đặc biệt do paracetamol có rất nhiều tên biệt dược và có mặt trong nhiều loại thuốc cảm, thuốc giảm đau hạ sốt khác nên nếu người bệnh uống chung với các thuốc khác có chứa paracetamol (tên khác là acetaminophen) sẽ gây ngộ độc cho gan rất nguy hiểm. Nếu người bệnh có tiền sử nghiện rượu mà lạm dụng thuốc này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng do gan bị nhiễm độc.
Theo ThS. LÊ QUỐC THỊNH
/SK & ĐS Online