Hóc dị vật thực quản ở nguời già là một “tai nạn” rất thường gặp ở các khoa tiêu hóa trong bệnh viện. Riêng Khoa tiêu hóa – BV. Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, thời gian qua đã tiếp nhận 6 bệnh nhân lớn tuổi bị hóc dị vật thực quản với các nguyên nhân: sơ ý uống thuốc còn nguyên vỉ có cạnh sắc, ăn cục thịt to, hạt ôliu, cục gân bò... Rất may, tất cả đều được nội soi gắp ra an toàn.
Trưa ngày 9/11/2012, ông Nguyễn Văn, T. 60 tuổi, trong lúc ăn bún bò, do mải mê nói chuyện nên đã sặc và nuốt một miếng thịt rất to. Ngay sau đó, ông cảm giác nghẹn, tức ngực, khó thở. Vì nghĩ rằng chỉ vì nuốt một miếng thịt khá to nên bệnh nhân và người nhà đã tự tìm đủ mọi cách để nuốt xuống như uống nhiều nước, ưỡn ngực, vươn vai, rồi lại tìm cách tự làm cho ói ra nhưng tất cả đều vô hiệu, thậm chí còn nghẹn ngực và khó thở nhiều hơn, nên vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ nhanh chóng nội soi bằng đường miệng cho bệnh nhân và phát hiện một cục gân bò khá to (đường kính khoảng 5cm) kẹt lại ngay đoạn 1/3 trên của thực quản làm thực quản giãn khá to. Vì cục gân khá to và dai kẹt lại gây giãn to thực quản có thể gây vỡ thực quản, nên bác sĩ phải đưa dụng cụ qua máy nội soi để cắt nhỏ miếng gân ra, rồi mới gắp ra ngoài an toàn.
Những chuyện khó tin
Thực quản chúng ta là đoạn đầu tiên của đường tiêu hóa, giống như một ống cao su nối từ họng đến dạ dày và luôn dễ dàng cho thức ăn hoặc bất cứ vật gì đi xuống dạ dày một chiều.
Trong thực tế làm việc của mình, chúng tôi đã từng gặp các dị vật kẹt lại trong thực quản và dạ dày của bệnh nhân đến khó tin: tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, chai dầu gió, nắp bia, cục gân bò to, hạt ôliu, hạt mít, chùm chìa khóa, đồng tiền xu, cây viết Bic, thuốc còn trong vỉ có cạnh sắc nhọn.
Ngoài những bệnh nhân tâm thần không ý thức được hoặc do cố tình tự tử không nhiều, đa phần các trường hợp chúng tôi gặp là do sơ ý tự gây ra cho mình khi ăn hoặc uống thuốc, nhất là người lớn tuổi dễ bị lẫn không nhớ rõ mà lại không được chăm sóc kỹ.
Có 2 nhóm dị vật:
Dị vật sắc nhọn: chìa khóa, dao lam, bút Bic, cọng kẽm… Những loại này rất ít gặp chủ yếu là do cố tình tự tử hoặc bệnh nhân bị tâm thần. Ở người già thường là do khả năng lừa thức ăn kém như em bé và người già hay quên nên thường chúng tôi gặp dị vật là tăm tre dính trong thức ăn, xương cá, xương gà và thuốc còn nguyên vỉ có cạnh sắc.
Dị vật không sắc nhọn: đồng xu, chai dầu, nắp bia, cục thịt to dai, hạt trái cây. Ở người già, chúng tôi thường gặp là cục thịt to dai hay hạt trái cây vì người già răng yếu, khả năng nhai kém thường nuốt miếng to và đôi khi không nhớ hoặc không chú ý khi nuốt.
Triệu chứng và biến chứng
Các dị vật sắc nhọn thường kẹt lại và cắm vào thành thực quản, gây loét làm đau ngực, nuốt khó, nuốt vướng, nuốt đau thậm chí ói ra máu hoặc nặng hơn là thủng thực quản rồi lan sang các bộ phận nằm gần thực quản như: thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng, hoặc làm tràn khí màng phổi gây khó thở, thậm chí tràn vào trung thất (khoang nằm trong lồng ngực giữa 2 lá phổi) gây áp-xe trung thất, là biến chứng rất nặng và dễ tử vong. Nếu dị vật không kẹt ở thực quản mà xuống dạ dày, ruột non và ruột già sẽ rất dễ gây thủng dạ dày, thủng ruột làm trào dịch trong dạ dày hay trong ruột ra ngoài ổ bụng gây viêm màng bụng cũng là biến chứng nặng, cần phải phẫu thuật.
Các dị vật không sắc nhọn, thường kẹt lại ở thực quản do kích thước to nhưng lại ít gây loét và thủng, chủ yếu chèn ép các bộ phận ở gần thực quản. Triệu chứng chủ yếu là nôn ói, sợ ăn, ăn uống có cảm giác nghẹn nặng ngực, trào ngược. Nếu chèn ép vào khí quản thì sẽ có triệu chứng ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, nếu chèn ép vào tim sẽ gây loạn nhịp tim, tức ngực hồi hộp, thậm chí khó thở phải gối đầu cao giống suy tim. Đây là nhóm dị vật thường gặp ở người lớn tuổi, bác sĩ cần hỏi kỹ bệnh nhân, đặc biệt là người nuôi, thăm khám kỹ và cho nội soi dạ dày để phát hiện. Các loại dị vật này, nếu quá to sẽ gây giãn to thực quản và có thể gây vỡ thực quản gây viêm trung thất hoặc áp-xe trung thất, còn nếu dị vật nhỏ hơn thì không gây giãn và vỡ thực quản ngay nhưng nếu không phát hiện và để chèn ép thực quản lâu ngày cũng có thể gây lở loét và thủng thực quản nhưng với tỉ lệ rất thấp. Nếu dị vật may mắn lọt qua khỏi thực quản xuống dạ dày và ruột non sẽ dễ gây tắc ruột làm đau bụng dữ dội, căng trướng bụng cần phải phẫu thuật cấp cứu.
Với phương tiện nội soi bằng ống mềm qua đường miệng, bác sĩ sẽ phát hiện dị vật và có các dụng cụ để hỗ trợ gắp dị vật ra ngoài không cần phẫu thuật, thậm chí nếu đã có biến chứng loét hoặc chảy máu, bác sĩ vẫn có thể vá lại bằng kẹp qua nội soi, rồi sau đó sẽ dùng thuốc chích hỗ trợ thêm giúp lành loét. Thông thường trong vòng 24 giờ sau khi gắp dị vật bệnh nhân nên được uống sữa lạnh và ăn cháo nguội để tránh loét thực quản.
Xử trí khi nuốt nhầm dị vật
- Nếu không nhớ rõ, cần khai với bác sĩ rõ các triệu chứng bắt đầu và diễn tiến thật chi tiết.
- Nếu biết rõ thì nên nhanh chóng đến bệnh viện có đủ điều kiện để được nội soi gắp ra càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng nặng nề.
- Không nên chữa mẹo, hay cố gắng làm nôn ói ra vì không có lợi mà chỉ dễ gây biến chứng và làm chậm trễ thời gian đến bệnh viện.
- Chụp X-quang chỉ phát hiện được các dị vật kim loại như sắt, đồng, thép, kẽm, vàng…
- Nội soi tiêu hóa qua đường miệng là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán và xử lý dị vật
- Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng, đặc biệt là khi có biến chứng.
Cách phòng tránh hóc dị vật thực quản ở người lớn tuổi
Chăm sóc người già giống như chăm sóc trẻ nhỏ:
Nên ăn ở tư thế ngồi, đầu cao.
Nên cho ăn thức ăn mềm, nhuyễn.
Thức ăn nên được cắt ra từng miếng nhỏ.
Thận trọng khi cho người lớn tuổi ăn thức ăn có xương (cá, xuơng gà…), trái cây có hạt.
Nên ăn chậm, nhai kỹ.
Tập trung khi ăn uống, tránh nói chuyện khi đang nhai và nuốt.
Không nên ăn quá khô, thiếu canh.
Không nên ăn và nuốt miếng thức ăn quá to.
Khi uống thuốc cần thận trọng xem kỹ từng loại thuốc, bóc vỏ cẩn thận.
Nên uống từng viên thuốc một.
ThS.BS. TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
Theo SK & ĐS Online