Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ diễn ra trong 2 ngày 5-6/9 tại thành phố St. Peterburg, Liên bang Nga. Đến thời điểm này, nước chủ nhà Nga đang tích cực triển khai nhiều hoạt động trước giờ khai mạc và nhiều cuộc họp cấp cao cũng đã được tiến hành để chuẩn bị cho Tuyên bố chung của hội nghị G-20 lần này.
Bến tàu đưa khách mời tới nơi diễn ra Hội nghị thường đỉnh G-20
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn, vấn đề thất nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng tại nhiều nước, nền kinh tế thế giới đang phát triển thiếu cân bằng… Trong bối cảnh đó, nước chủ nhà Nga xác định: kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phát triển thị trường lao động thông qua khuyến khích đầu tư dài hạn, bảo đảm lòng tin và sự minh bạch trên thị trường… là những ưu tiên hàng đầu.
Trước thềm hội nghị, các quan chức cấp cao và Thứ trưởng Tài chính các nước G-20 đã nhóm họp để thảo luận về các nội dung trên, chuẩn bị cho Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G-20, phản ánh sự quan tâm của Nhóm này cũng như các cơ chế cụ thể để tiếp tục hợp tác kích thích tăng trưởng kinh tế, phát triển ổn định và cân bằng hơn trong điều kiện hiện nay.
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo G-20 cũng sẽ xem xét khuyến cáo của các diễn đàn Kinh doanh 20, Dân sự 20, Lao Động 20, Tư duy 20 và Thanh niên 20 trong năm Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên.
Hội nghị Thượng đỉnh G-20 lần này cũng là nơi sẽ diễn ra các cuộc gặp cấp cao bên lề và dư luận sở tại đang đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp giữa hai Tổng thống Putin và Obama, cũng như các nội dung sẽ được đề cập liên quan đến tình hình khủng hoảng tại Syria. Theo các chuyên gia, các nước phương Tây hy vọng thông qua diễn đàn này để xây dựng một liên minh quốc tế, thống nhất hành động đối phó với diễn biến phức tạp tại Syria.
Trong khi đó Nga cũng sẽ sử dụng diễn đàn này để tạo được sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề Syria bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao.
Theo chương trình, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20, các nhà lãnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới sẽ thông qua Tuyên bố Saint Peterburg với 8 đến 10 đề xuất và biện pháp khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng./.
Theo Đoan Hải/VOV.VN