Cập nhật: 15/09/2013 07:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

 

Việc trang bị những kỹ năng sống cho các em hay nhân rộng những mô hình dạy bơi an toàn là cách bảo vệ các em thiết thực...

Đã có 500 lớp dạy bơi được tổ chức tại trường học, cộng đồng cho 9.500 trẻ em

Hàng loạt vụ đuối nước xảy ra gần đây, gây đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội, khiến nhiều bậc phụ huynh và các em hoang mang, lo lắng. Sự chủ quan, bất cẩn của người lớn, nhận thức về việc phòng chống đuối nước cho trẻ hạn chế và điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn… khiến nguy cơ gây đuối nước cho trẻ vẫn chưa được loại bỏ tại gia đình và cộng đồng.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay, số trẻ tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2010, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Năm 2012, cả nước có trên 1.700 em tử vong do đuối nước trong tổng số gần 2.800 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 700 em tử vong do đuối nước.

Đắc Nông là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất nhì trong cả nước. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh có 33 em tử vong do đuối nước trong tổng số 40 em tử vong do tai nạn thương tích. Nguyên nhân là do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ, nhận thức của người lớn về sự nguy hiểm của đuối nước và phòng chống đuối nước cho trẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, môi trường sống trong gia đình và ở cộng đồng cũng chưa thực sự an toàn; Điều kiện cơ sở hạ tầng, không gian vui chơi giải trí cho các em còn thiếu nên công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Để giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em thì việc dạy bơi cho trẻ được coi là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, mặc dù từ tháng 2 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học nhưng đến nay công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học vẫn chưa được triển khai.

Ông Ngũ Duy Anh cho biết: Hiện nay trong các nhà trường là điều kiện về đất đai để xây dựng các công trình thể thao nói chung và bể bơi nói riêng còn khó khăn. Đội ngũ giáo viên biết bơi và biết cách dạy bơi chiếm tỷ lệ rất ít. Một số địa phương cũng có những sáng kiến xây dựng những lồng bơi tại ao, hồ, sông suối, nhưng thời gian gần đây vấn đề ô nhiễm ở những vùng sông nước nên việc triển khai còn hạn chế.

Qua 1 năm thực hiện kế hoạch liên tịch về phòng chống đuối nước trẻ em 2012-2015, hiện nay cả nước có hơn 40 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em, gần 1.900 xã triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó hơn 324.000 hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, gần 200 xã đạt cộng đồng an toàn. Đã có 500 lớp dạy bơi được tổ chức tại trường học, cộng đồng cho 9.500 trẻ em. Mô hình thí điểm dạy bơi cho học sinh, đặc biệt là khối tiểu học đã được triển khai tại một số địa phương và có hiệu quả.

Năm 2007, được sự tài trợ của Tổ chức liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hòa Kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai lắp đặt 11 bể bơi di động tại 11 trường tiểu học thuộc 7 quận, huyện trên địa bàn và bắt đầu dạy bơi vào đầu mùa hè năm 2009. Qua các lớp học này, mỗi năm có từ 5.000-6.000 trẻ em tiểu học được học bơi. Đa số các em khi học xong có thể nổi được 90 phút và bơi được 25 mét, đảm bảo an toàn khi xuống nước.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đã triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đưa con đi học tại các bể bơi công cộng trên địa bàn thành phố; Thứ hai, chúng tôi thành lập ban chỉ đạo cấp ngành, cấp quận huyện và chúng tôi tổ chức dạy theo đúng giáo trình. Bên cạnh đó, là công tác kiểm tra, giám sát hết sức nghiêm ngặt. Chúng tôi đánh giá sau mỗi kỳ, mỗi khóa học. Vòng 1 em nào đảm bảo, chúng tôi cấp chứng chỉ, tặng quà, em nào chưa đạt chúng tôi sàng lọc, đào tạo lại vòng 2".

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm của các bộ, ngành và toàn xã hội. Việc trang bị những kỹ năng sống và giám sát cho các bậc phụ huynh, hay nhân rộng những mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ như của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua chính là điều kiện chăm sóc, bảo vệ các em tốt nhất, để các em được phát triển một cách toàn diện./.

 

Theo Thy Hạt/vov.vn

Tệp đính kèm