Cập nhật: 19/11/2013 10:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đổi mới đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo theo tinh thần Nghị quyết TW 8 (khóa XI). Đổi mới đội ngũ giáo viên là thực hiện việc bồi dưỡng tay nghề cho những giáo viên đang đứng lớp, nhằm tạo sự thay đổi về tư tưởng, nâng cao ý thức tự giác của các thầy giáo, cô giáo về việc đổi mới giáo dục, đổi mới cách thức lên lớp, đổi mới suy nghĩ về vai trò của học sinh. 

Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện phục vụ đào tạo xác định: Muốn đổi mới giáo dục, mỗi nhà giáo phải tự đổi mới phương pháp dạy học, làm sao cho học sinh có cơ hội tìm tòi, khám phá, để cả thầy và trò không phải học theo kiểu thụ động mà đồng hành cùng học tập, nghiên cứu.

Cô giáo Đỗ Hương Trà, giảng viên khoa Lý, Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng: "Đào tạo giáo viên nói chung, cũng như đào tạo sinh viên thì đào tạo thông qua trải nghiệm. Tức là người học tự thực hiện các nghiên cứu, từ đó rút ra được những tiến trình hướng dẫn cho học sinh học như thế nào. Do đó, cách thức dạy học, cách thức đào tạo sẽ hơi khác, ngay cả đối với giảng viên. Một trong những khó khăn, rào cản lớn nhất chính là thói quen, thay đổi nếp dạy học đã cũ. Bây giờ người dạy với tư cách là người hướng dẫn, phải đứng lùi về phía sau để đưa người học lên trước. Quá trình dạy học phải đi theo người học chứ không phải do người dạy áp đặt, chuẩn bị sẵn".

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, muốn đổi mới, trước hết, các trường Sư phạm phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo. Sư phạm phải đi trước một bước. Rút kinh nghiệm của những lần cải cách giáo dục trước chỉ cải cách phương pháp giáo dục nhưng lại không cải cách hệ thống sư phạm, cho nên giữa đào tạo giáo viên và dạy phổ thông chưa ăn khớp với nhau. Lần này ngành giáo dục phải làm thế nào đưa các nội dung chương trình sách giáo khoa mới, hoạt động của trường phổ thông vào trường Đại học để sinh viên sư phạm hiểu rõ khi ra trường sẽ phải làm gì.

"Muốn làm được như vậy, tất cả các trường sư phạm phải đổi mới chương trình sao cho quá trình đào tạo giáo viên sát hợp được với yêu cầu đào tạo phổ thông ở đại học và các cấp. Chương trình sư phạm đào tạo phải ăn khớp với hướng đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Đào tạo một thầy giáo cũng giống như đào tạo một người thợ lành nghề. Hiện nay, ta đang đòi hỏi học sinh phải học sáng tạo và biết tự học thì giáo viên cũng phải được huấn luyện, bồi dưỡng để giúp cho học sinh biết học một cách sáng tạo và tự học. Cho nên, kèm theo nhà trường sư phạm phải đổi mới thì hiện nay hệ thống các giáo viên đang hoạt động trong các nhà trường phải được huấn luyện, phải được đào tạo lại để có năng lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo học sinh mới"- Giáo sư Phạm Tất Dong nói.

Cùng chung quan điểm về việc đào tạo lại giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Người làm nghề dạy học thì phải có nghề. Để các nhà giáo đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong quá trình giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, cần phải có những đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn, giảng viên phải được tuyển chọn từ chính những người có tay nghề giỏi. Phải ý thức được bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên khác với bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tức là sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, giáo viên phải tự nâng cao trình độ bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp, khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ giáo viên đạt “trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên để phù hợp với hiện tại là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới dạy và học. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự phấn đấu, tự đổi mới chính mình để nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà./.

Theo Thu Hiền/VOV.VN

Tệp đính kèm