Cập nhật: 19/12/2013 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cả xã hội lên cơn sốt khi những hình ảnh, thước phim phóng sự về vụ hành hạ trẻ em mầm non ở Tp.Hồ Chí Minh được Tuổi trẻ đưa ra trước công luận.

Vụ bạo hành trẻ mầm non gây rúng động. Ảnh: Tuổi trẻ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:    

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.19BaoHanhTre.mp3[/video]

Và ngày hôm qua, người ta một lần nữa nhắc lại chuyện lắp camera trong trường mầm non. Người ta lại khởi tố vụ án. Làm gì cũng được. Làm gì thì làm đi. Nhưng không thể chậm hơn một ngày nữa.

Cả xã hội lên cơn sốt, mạng xã hội dậy sóng khi những hình ảnh, thước phim phóng sự về vụ hành hạ trẻ em mầm non ở Tp. Hồ Chí Minh được Tuổi trẻ đưa ra trước công luận.

Bóp cổ. Bịt mũi. Ấn đầu. 28 cái tát trong chỉ 1 phút. Dốc đầu bé gái vào bồn nước trong tiếng kêu khóc. Và những khuôn mặt trẻ em giàn giụa nước mắt kêu khóc trong sợ hãi.

Người ta đã khóc vì uất nghẹn.

Người ta thậm chí đã không dám xem hết clip…

Tại sao người ta có thể chăm nom những đứa trẻ còn đang ở tuổi uống sữa bằng cách bịt mũi để buộc chúng phải há miệng! Từ bao giờ đã có cách chăm bẵm như thể nhồi bánh đúc vào diều gà vịt như vậy.

Và có phải câu chuyện không hề cá biệt khi hành vi tàn bạo đó ẩn giấu dưới sự thản nhiên, sau một cặp kính cận và những lời thưa gửi đon đả! Không biết chừng, cô bảo mẫu với cặp kính cận trí thức, sau khi hành hạ những đứa bé, cô sẽ lại online trên facebook khoe một món ăn mới nấu cho học trò.

Ngày hôm qua, rất nhanh chóng, cư dân mạng đã tìm thấy facebook cá nhân của 2 cô bảo mẫu.

Và, sâu xa, đằng sau thái độ giận dữ, căm phẫn đó của dư luận là một nỗi hoảng sợ khác. Bởi, ai biết còn bao nhiêu chốn địa ngục như thế nữa? Và con bạn, con tôi, con chúng ta, lấy gì để đảm bảo chúng ngay bây giờ không phải là nạn nhân của lối giáo dục bằng nắm đấm?

Giống y như cái tát mà các cô bảo mẫu giáng vào mặt những đứa bé, điều đầu tiên mà dư luận được nhận sau mỗi vụ bạo hành, là lời khẳng định “cơ sở mầm non đó chưa được cấp phép”. Cứ như nó "chui" ra từ một nơi chốn nào, mà không ai biết đến sự tồn tại.

Chừng nào cơ quan quản lý còn coi cái giấy phép là thứ bùa phép trục lợi, chứng nào cái giấy phép còn là thứ bùa phép trốn tránh trách nhiệm của chính quyền thì chừng đó những vụ việc đau lòng vẫn cứ liên tiếp xảy ra.

Hết bảo mẫu “cho ăn bằng thước kẻ” Quảng Thị Kim Hoa, lại đã đến bảo mẫu tắm bạo hành “Trần Thị Phụng”. Hết cô giáo nhốt học sinh vào thang máy đến cô giáo dỗ trẻ bằng cách dán băng keo quanh miệng. Nếu như thế vẫn là chưa đủ thì xin hãy nhớ lại vụ Hồ Ngọc Nhờ ở Cần Thơ. Cô bảo mẫu cho trẻ ăn bằng cách nắm chân dốc ngược đầu làm cháu bé té xuống nền nhà và dỗ trẻ nín khóc bằng cách đạp lên bụng, lên ngực.

Xin hãy đọc lại những dòng kết luận pháp y, xác nhận tình trạng đứa bé 18 tháng tuổi: bầm tụ máu dưới da khắp các khu vực đầu, mặt, cổ, ngực; màng sụn thanh khí quản bị sưng; khoang màng phổi có máu, dập phổi; rách, bầm túi máu vùng đáy tim; vỡ tiểu nhĩ; ổ bụng có máu tụ quanh gan; rách gan…

Đọc lại những dòng kết luận, để nhớ rằng không thể lúc nào cũng đổ ngay cái lỗi ở trường công/tư. Và đặc biệt là, đừng tiếp tục đổ lỗi ráo hoảnh chuyện có phép hay không phép.

Các nhà quản lý xin đừng lấy đó làm lý do để bắt nạt hay bỏ mặc những người nghèo. Thịt da nào mà chẳng là thịt da. Không thể nói yêu thương nào nhiều hơn yêu thương nào. Không thể vì nghèo mà người lao động không có quyền là được đảm bảo về nơi chốn an toàn tối thiểu cho những đứa con mình.

Vậy giải pháp ở đâu? Những lời cam kết nào đã thành hiện thực?

Sau vụ tắm bạo hành mấy năm trước, người ta bảo phải lắp camera. Sau vụ dỗ trẻ nín bằng gót chân, người ta đã khởi tố vụ án hình sự.

Và ngày hôm qua, người ta một lần nữa nhắc lại chuyện lắp camera trong trường mầm non. Người ta lại khởi tố vụ án. Làm gì cũng được. Làm gì thì làm đi.

Nhưng không thể chậm hơn một ngày nữa. Bởi sự kiên nhẫn của những người làm cha làm mẹ đã đến miệng của chiếc ly chịu đựng rồi.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm