Còn 1 tháng nữa, nhiều người dân Việt Nam mới đón cái Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng tại các xã Lũng Pù, Khâu Vai và Cán Chu Phìn của huyện Mèo Vạc, Hà Giang, đồng bào Mông nơi đây đã rộn rã để đón Tết của mình. Để tạo điều kiện cho mọi người dân đón Tết trong không khí vui tươi, huyện Mèo Vạc chủ trương cho các xã tổ chức đồng loạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi của bà con đồng bào dân tộc Mông. Tâm điểm của các hoạt động là hội Xuân với phần trò chơi Vỗ mông, diễn ra tại xã Lũng Pù, hội đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham gia và thượng ngoạn.
Thanh niên người Mông tham gia lễ hội Vỗ mông
Trước khi diễn ra, các gia đình đã tiến hành các thủ tục theo phong tục tập quán để đón năm mới. Tuy là một xã còn khó khăn của huyện, đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 98% dân số xong trong “Tết sớm” năm này, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Pù cũng đã dành nhiều sự quan tâm chăm lo Tết cho bà con.
Các hoạt động đón Tết vui Xuân ở 12/12 thôn bản đều được chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt là lo cho các hộ nghèo, hộ khó khăn của xã có một cái Tết vui, ấm cúng, an toàn. Ngoài phần lễ được các gia đình tố chức tại gia đình theo phong tục tập quán, thì phần hội năm nay được bà con nhân dân và du khách đặc biệt quan tâm bởi có phần phục dựng lại hội Vỗ mông của dân tộc Mông theo chủ trương của huyện cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian khác theo phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Ông Đôc Viết Thành, Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc cho biết: “Thực hiện Tết của người Mông trên địa bàn xã Lũng Pù là một chủ trương lớn của tỉnh, cũng như của huyện. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy cũng như UBND huyện, chúng tôi phải đảm bảo làm sao cho bà con nhân dân trên địa bàn xã có một cái Tết thực sự là vui vẻ, ấm cúng”.
Do được tuyên truyền tốt nên từ sáng sớm, dòng người đổ về trung tâm xã Lũng Pù mỗi lúc một đông, trong đó có nhiều bạn trẻ người Mông đến từ các xã, thị trấn trong huyện và có cả người dân đến từ huyện Đồng Văn. Họ đến đây không chỉ chung vui Tết với bà con nhân dân xã Lũng Pù, mà còn đến để chứng kiến, được tham gia và tìm hiểu về phong tục Vỗ mông đã mai một từ lâu của dân tộc mình. Sau phần khai hội với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mọi người dân trong xã và du khách đổ về con đường nhỏ dẫn vào thôn Sảng Chải A, địa điểm tổ chức Hội vỗ mông của xã Lũng Pù.
Trong cái nắng ấm của mùa xuân, sau những phút đầu còn e ấp, ngượng ngùng các chàng trai, cô gái Mông và đã mạnh dạn hơn khi thực hiện trò vỗ mông, một nét đặc sắc của dân tộc mình. Đây là một nét văn hóa không chỉ độc đáo, đặc sắc mà còn là một cách thể hiện tình cảm của những đôi trai gái người Mông với nhau.
Theo phong tục, trong những ngày Tết, các chàng trai, cô gái Mông lại nỗ nức kéo đến các bãi đất rộng, hay trên những đoạn đường chay qua thôn để cùng vui chơi, tâm tình. Họ đi thành từng tốp, cùng với những lời thăm hỏi, chúc tụng đầu năm, các chàng trai, cô gái đưa mắt lựa chọn đối tượng cho riêng mình. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi.
Chàng trai ngay lập tức tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông cô gái và thả lời yêu thương. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời tế nhị. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi, vừa chơi hội và trao nhau những lời yêu thương cho nhau. Đến khi vỗ đủ 9 cặp, tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chỉ chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng. Vỗ mông không chỉ đơn thuần là trò vui trong ngày Xuân mà còn chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vì vậy mà trò Vỗ mông từ lâu luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ đến như vậy.
Là một huyện có 16 dân tộc anh, em cùng sinh sống đã tạo cho huyện Mèo Vạc nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc đan xen nhau. Trong đó dân tộc Mông với dân số chiếm trên 78% dân số toàn huyện, với việc duy trì Tết sớm, tổ chức sưu tầm, phục dựng lại các nét văn hóa đã mai một không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống có tính chất đặc thù trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn mong muốn quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Năm nay huyện đã có nhưng chỉ đạo cho ngành chuyên môn xây dựng các kịch bản và mời các đồng chí ở Sở Văn hóa lên để giúp cho huyện tìm hiểu và khôi phục lại nét đẹp này, tức là khôi phục lại tục Vỗ mông. Đây cũng là một phong tục mà đồng bào rất trân trọng. Năm nay huyện quyết định là phải tổ chức và sau này tuyền truyền vận động bà con khôi phục lại bản sắc dân tộc phong tục này”./.
Theo CTV Minh Quang/VOV.VN