Cập nhật: 04/03/2014 10:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hình thức xuất khẩu này về mặt nào đó là tích cực song cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước.

Thông báo thực trạng tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó, nguy cơ xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch có thể bị ép giá, ngày 3/3, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

Đáng chú ý là Thái Lan đang có mức tồn kho gạo lên tới 20 triệu tấn. Chính phủ Thái Lan cũng đang có nhu cầu xả hàng trước sức ép của người nông dân, rất có thể quốc gia này sẽ bán gạo với giá thấp đi rất nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ông Hải cho rằng, đây là vấn đề nóng đang được quan tâm. Tuy nhiên, dấu hiệu xả hàng của Thái Lan hiện vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra Việt Nam cần phải quan tâm đến các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ trong 2 năm vừa qua đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Myanma, Campuchia hiện cũng đang trở thành quốc gia xuất khẩu gạo tiềm năng.

Đề cập đến những giải pháp cho thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, ông Hải cho biết, một mặt Bộ Công Thương vẫn liên tục tìm đầu ra cho nông dân thông qua bộ phận chuyên trách.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dần hoàn thiện quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Trong đó chọn lọc ra những thương nhân có đủ điều kiện cũng như có quá trình lịch sử xuất khẩu gạo tốt để Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán với chính phủ các nước tìm kiếm hợp đồng. Điều này có lợi ở chỗ, các thương nhân có thể tiến hành thực hiện đàm phán xuất khẩu gạo nhưng được sự hỗ trợ, bảo lãnh của chính phủ, đơn cử như việc đã ký được hợp đồng với Philippine, Indonesia…

Ông Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương còn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị hữu quan như Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội lương thực Việt Nam liên tục giám sát thị trường.

Liên quan tới tình hình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Hải cho biết, năm 2013, Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay lại có thông tin: Trung Quốc tiến hành mua gom gạo của Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng và vấn đề về giá.

Ông Hải cho rằng, đó cũng là điều đáng mừng bởi hiện nay Việt Nam vẫn đang phải tìm kiếm thị trường đầu ra. Song về phía nhà nước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch cũng vẫn cần phải có sự quản lý chặt chẽ.

“Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,1 triệu tấn gạo, tương đương 1 tỷ USD. Trong khi tổng sản lượng xuất khẩu gạo mới chỉ đạt khoảng 6,59 triệu tấn. Như vậy thị trường Trung Quốc nhập khẩu gạo chiếm tới 1/3. Sang tháng 1/2014, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 65.000 tấn gạo sang Trung Quốc, trong khi tổng lượng xuất khẩu đạt 370.000 tấn. Điều này cho thấy, việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng ko phải là điều dễ dàng. Do đó, nếu có thông tin Trung Quốc mua gom gạo thì ở một góc độ nào đó cũng là tích cực”, ông Hải nhận định.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, các đối tác nhập khẩu hiện chưa có kế hoạch thu mua, trong khi đó sản lượng lúa gạo trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Hồi đầu năm nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong năm 2013, VFA đã liên tục phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo từ 7 triệu tấn xuống còn 6,5 triệu tấn.

Năm 2014, VFA dự báo sản lượng gạo thương mại đạt khoảng 8 triệu tấn, VFA đặt mục tiêu tối đa để xuất khẩu 7 triệu tấn, số còn lại sẽ phải xem xét xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và cũng như tiêu thụ bằng các nguồn khác./.

Theo Nguyễn Quỳnh - Thùy Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm