Cập nhật: 11/03/2014 10:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc triều Nguyễn (còn gọi là Nhã nhạc Huế) - Âm nhạc cung đình Việt Nam được chính thức ghi tên vào danh mục "Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại." 

Cụ Lê Hữu Thi, người có công lớn trong bảo tồn Nhã nhạc Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Từ đó đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và truyền khẩu hết sức độc đáo này.

Đạo diễn sân khấu, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế Trương Tuấn Hải, cho biết sau hơn 10 năm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn được chính thức ghi tên vào danh mục "Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại," nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự, 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, chín nhạc chương trong lễ Tế Miếu, năm nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên đán...

Nhà hát phối hợp phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như Lễ tế Nam giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ truyền Lô-Vinh quy bái tổ (Lễ vinh danh tiến sỹ dưới thời Nguyễn), Lễ hội thi tiến sỹ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi ...

Một số bài bản được sưu tầm, dàn dựng chủ yếu theo lối "truyền nghề" của các nghệ nhân đi trước như cụ Lữ Hữu Thi, cụ Trần Kích. Việc tranh thủ vốn liếng nghề nghiệp còn lại của các cụ để truyền cho lớp trẻ đã được nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế quan tâm hơn bao giờ hết.

Riêng nghệ nhân Trần Kích trước lúc mất (năm 2010) đã giúp nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc (Nhạc cung đình Việt Nam) để truyền nghề cho học trò, và giúp cho chương trình đào tạo khóa Nhã nhạc Huế hệ đại học tại Đại học Nghệ thuật Huế.

Nghệ nhân Lữ Hữu Thi, hiện được xem là "báu vật nhân văn sống" của Nhã nhạc Huế. Là người cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh, dưới triều Vua Bảo Đại xưa, nay ở vào tuổi 104, với hơn 80 năm theo nghề Nhã nhạc, cụ vẫn say sưa truyền nghề. Điều làm cụ mãn nguyện nhất hiện nay là đã truyền lại được các ngón nghề cho thế hệ con cháu ở đội nhạc công Nhà hát nghệ thuật truyền thống Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

Các yếu tố khác góp phần làm tăng thêm giá trị của Nhã nhạc Huế trong các chương trình biểu diễn như phục chế trang phục Nhã nhạc Huế gồm áo mão Đại nhạc, áo mão Tiểu nhạc, áo Giao lĩnh Bát dật Văn, Trấn thủ Bát dật Võ... đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế thành công.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản văn hóa Huế như Khoa cử và khoa bảng triều Nguyễn, Thần kinh nhị thập cảnh-Thơ vua Thiệu Trị, Kinh thành Huế, Huế-Di sản văn hóa thế giới, Âm nhạc cung đình Huế, Tuồng cung đình Huế, Khảo cổ học tại Di tích Cố đô Huế (1999-2003), Di sản văn hóa Huế-Nghiên cứu & bảo tồn, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (6 tập), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (10 tập)... là những công trình góp phần làm nên giá trị văn hóa phi vật thể của Huế.

Thành công lớn nhất của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) là đưa Nhã nhạc Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa đến rộng rãi với công chúng, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Tại Đại Nội, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tổ chức bốn suất biểu diễn/ngày phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt, trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên-Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định việc bảo tồn Nhã nhạc Huế trong thời gian qua đã tập trung đúng hướng vào các nội dung chính như nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ tài liệu; đào tạo và truyền dạy nghề, phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu; phục chế trang phục, các hoạt động quảng bá để phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế. Trong nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Nhã nhạc Huế có một phần đóng góp đáng ghi nhận của các tổ chức quốc tế như UNESCO, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sắp tới, các hoạt động bảo tồn Nhã nhạc Huế hướng vào chiều sâu, nhất là triển khai các đề tài nghiên cứu học thuật về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng vào các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc Huế phục vụ rộng rãi hơn đối với công chúng yêu nghệ thuật.../.

(VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/dat-nhieu-tien-bo-trong-viec-bao-ton-di-san-van-hoa-hue/247909.vnp

Tệp đính kèm