Khác với cùng kỳ hai năm trước, thu ngân sách quý I/2014 đạt nhiều kết quả tích cực song cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm.
Thu, chi và bội chi ngân sách quý I/2014 (nghìn tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính
Thu ngân sách đạt khá cao so với dự toán đề ra cho cả năm. Tỷ lệ này đạt được ở cả tổng thu (đạt 24,9%) và ở cả các khoản thu chủ yếu: Thu nội địa (đạt 24,8%); thu từ dầu thô (đạt 30,6%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (đạt 23,5%), nếu trừ đi hoàn thuế giá trị gia tăng 18 nghìn tỷ đồng thì thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất khẩu đạt 22,4%. Tổng chi ngân sách đạt 23,1% dự toán năm, thấp hơn tỷ lệ so với dự toán năm của tổng thu (24,9%); so với năm trước tăng 5,4%, cũng thấp xa so với tốc độ tăng tương ứng của tổng thu (15,9%). Trong các khoản chi, chi trả nợ và viện trợ đạt tỷ lệ so với dự toán cao nhất (24,3%), tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất (11,5%), thể hiện việc bảo đảm cam kết thanh toán các khoản đến hạn.
Bội chi ngân sách quý I giảm so với cùng kỳ năm trước (37,09 nghìn tỷ đồng so với 51,96 nghìn tỷ đồng, giảm 28,6% hay giảm 14,87 nghìn tỷ đồng); bằng 16,5% dự toán cả năm, thấp hơn so với dự toán của tổng thu và của tổng chi. Đáng chú ý, bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP quý I năm nay đạt 4,9%, thấp hơn tỷ lệ theo mục tiêu đề ra cho cả năm (5,3%).
Tổng lượng vốn trái phiếu Chính phủ huy động trong quý I đạt trên 83,01 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% kế hoạch cả năm; riêng tháng 3 đã huy động được gần 31,13 nghìn tỷ động, đạt 13,4% kế hoạch cả năm, cao hơn mức bình quân tháng trong 2 tháng đầu năm (25,94 nghìn tỷ đồng và đạt 11,2% kế hoạch cả năm).Đạt được kết quả như trên trước hết do tăng trưởng kinh tế quý I/2013 đạt 4,96% (quý I/2012 tăng 4,75%, quý I/2013 tăng 4,76%). Hiệu quả đầu tư có tín hiệu khả quan khi tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP là 28,4% nhưng tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Tốc độ tăng năng suất lao động so với cùng kỳ năm trước đạt khá (khoảng 3,18%). Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (14,1% so với 12,4%). CPI tháng 3/2014 so với tháng 12/2013 chỉ tăng 0,8%, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua… Đồng thời có sự cải thiện nhất trong việc chấp hành pháp luật về thuế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác thu-chi ngân sách Nhà nước hiện còn có những hạn chế, bất cập.Nếu tỷ lệ tổng thu/GDP cao thì trái với chủ trương “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”… Trong GDP của quý I năm nay, thì nông-lâm-nghiệp-thủy sản tăng thấp, công nghiệp-xây dựng tăng thấp hơn tốc độ chung. Tỷ trọng thu nội địa vẫn còn ở mức thấp (mới đạt 68,5%), còn 31,5% là thu từ dầu thô và cân đối từ thu xuất nhập khẩu, là những khoản thu không trực tiếp là hiệu quả của nền kinh tế. Tình trạng thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá…, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn.
Tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển mới chiếm 14,4% tổng chi; so với cùng kỳ năm trước giảm 4,9%. Tỷ lệ chi trả nợ, viện trợ tuy chưa vượt mức kiểm soát, nhưng hiện cũng đã khá lớn (bằng 12,9% tổng chi, bằng 14,9% tổng thu), có thể ảnh hưởng đến số thực còn được dùng khi vay mới…
Nếu GDP là hiệu quả của nền kinh tế thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Vì thế cần làm cho "chiếc bánh" GDP to ra, đồng thời thu đúng, thu đủ, chi tiết kiệm để giảm bội chi, giảm yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn