Cập nhật: 18/04/2014 15:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

VNCB cho biết, sẽ cho vay mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và dịch vụ.

 

Gói 50.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ khơi thông hàng hóa VLXD, giảm lưu thông tiền mặt góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh vừa tổ chức hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng lần 2, tại Hà Nội.

Vận hành chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà

Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cho biết: Mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, xây dựng Sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm lưu thông tiền mặt góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…

Với chương trình này, tất cả các bên tham gia (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SX VLXD - Ngân hàng) cùng ký kết trên 1 Hợp đồng; nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi.Hiện nay, đã có 8 ngân hàng đã đăng ký với Vụ Tín dụng Ngân hàng nhà nước tham gia chương trình liên kết 4 nhà là: BIDV, AgriBank, Vietcombank, Vietinbank, MHBank, VNCB, SHBank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Mỗi ngân hàng nói trên có quyền xây dựng một chuỗi các Ngân hàng hợp tác riêng của mình.

Việc đáp ứng nhu cầu VLXD trong chuỗi được thực hiện thông qua Nhà Tổ chức chợ/sàn mua bán VLXD với các dự án khả thi, Nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng VLXD cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các NH chủ động tiếp cận DN, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các NH khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.

Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các Ngân hàng TM cung cấp nguồn vốn cho các Đơn vị/doanh nghiệp trong ngành Xây dựng - Vật liệu Xây dựng - Bất động sản.Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD-TTBTN đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu VLXD là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất VLXD trên cả nước. Mô hình sàn kinh doanh VLXD-TTBNT sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.

Thời hạn vay trả chậm tới 15 năm

Trong chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay thương mại và sản xuất, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho VLXD và được quay vòng trong năm 2014. Đặc biệt, hình thức cấp tín dụng là bằng hàng hóa VLXD với nhiều phương thức.

Là doanh nghiệp đăng ký tham gia chuỗi liên kết này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành (TPHCM), băn khoăn: Nếu triển khai tốt, gói tín dụng này có thể giúp dự án dở dang có điều kiện thực hiện tiếp. Tuy nhiên, mấu chốt là dự đầu tư tạo ra sản phẩm nhưng cần phải có đầu ra. Nếu đổ tiền vào dự án không bán được, ngân hàng mất tiền, doanh nghiệp cũng ôm nợ. Và, phương thức vận hành của gói tín dụng này cho thấy cạnh tranh trong ngân hàng không lớn, chỉ chênh nhau 1-2% lãi suất. Bản thân các doanh nghiệp không quá căn ke vào mức lãi suất này, quan trọng là nếu ngân hàng nào cho vay thủ tục đơn giản hơn, giải ngân nhanh hơn thì lãi suất có cao hơn chút ít cũng sẵn sàng vay.

Trong đó, với cấu trúc chuỗi liên kết khép kín 4 nhà này, VNCB cho biết, các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và các dịch vụ.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngành ngân hàng, “Chương trình 50.000 tỉ hỗ trợ xây dựng và BĐS dựa trên thực tế kinh doanh của xây dựng và BĐS: sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) để hỗ trợ sự dịch chuyển hàng hóa. Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau. Nhưng thực tế của những năm gần đây cho thấy hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lãnh vực xây dựng và thị trường BĐS. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.

“Chương trình 50,000 tỉ đồng đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế này và đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: “Mô hình liên kết “4 nhà” là tổ hợp cung ứng vốn và cung ứng vật liệu xây dựng được triển khai rộng cho các công trình nội đô và các khu đô thị mới. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao”./.

 

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm