Chiều 15/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Đại sứ quán, các Tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) ở Việt Nam và các địa phương, khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang sớm ổn định tình hình, bảo vệ hoạt động hợp pháp của các DNNN tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định với Đại sứ quán, các Tổ chức Hiệp hội DNNN ở Việt Nam: Các cơ quan Nhà nước các cấp của Việt Nam đã có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, không để sự việc tiếp tục diễn biến và lan rộng. Nhiều đối tượng cầm đầu, kích động đã bị điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan Chính phủ và các địa phương đang tích cực thông tin để người dân và người lao động không được nghe theo lời xúi giục của các phần tử quá khích, mọi người dân Việt Nam và người lao động có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, vì lợi ích đất nước và lợi ích của chính bản thân họ.
Chính quyền các cấp của Việt Nam hết sức chia sẻ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về một số sự việc đáng tiếc vừa qua, đồng thời mong muốn nhận được sự thông cảm và ủng hộ từ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài… trong việc phối hợp xử lý, phản ánh thông tin chính xác, khách quan tình hình vụ việc.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị này thông tin đến Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại quê nhà (quốc gia đầu tư), để các nhà đầu tư an tâm khẩn trương ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ đạo việc xử lý rất cụ thể, quyết liệt để sớm ổn định tình hình, bảo vệ an toàn tài sản cũng như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN tại Việt Nam.
Cụ thể, lãnh đạo các địa phương kịp thời bảo vệ, phối hợp với doanh nghiệp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa các hoạt động làm phức tạp tình hình. Cần giao một cơ quan đầu mối để các doanh nghiệp, tổ chức liên hệ, trao đổi thông tin, kịp thời động viên, chia sẻ giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động.
Đồng thời, cần tuyên truyền, giải thích cho người lao động và người dân thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động vi phạm chủ quyền đi đôi với ý thức bảo vệ doanh nghiệp, tránh để các phần tử xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và an ninh kinh tế của đất nước.
Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương tăng cường tham mưu, quản lý đầu tư, có các biện pháp ổn định và khôi phục môi trường đầu tư, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn.
Xuất phát từ sự bức xúc trước việc Trung Quốc cho đặt trái phép dàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân và người lao động ở một số địa phương đã tự phát biểu tình phản đối các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc.
Nhưng việc này đã bị kẻ xấu xúi giục, trà trộn, giả danh công nhân gây kích động dẫn tới nhiều hành vi manh động, bột phát, gây ra những tổn thất về tài sản cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gây hoang mang cho cộng đồng các nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trưa ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện gửi Bộ Công an; các bộ, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo an ninh trật tự.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chính thức công bố, 4 tháng đầu năm, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn