Dự án khuyến nông Trung ương về xây dựng cánh đồng mẫu lớn được triển khai chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã cho thấy hiệu quả kinh tế tăng đến 25%/ha so với trước khi có cánh đồng mẫu lớn.
Cánh đồng mẫu lớn đem lại thu nhập lớn hơn cho người nông dân. Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các vùng trồng lúa chủ yếu” do Trung tâm làm chủ nhiệm, triển khai trong 3 năm (2013- 2015) với quy mô 2.450 ha tại 7 tỉnh vùng ĐBSH, 2 tỉnh miền Trung và 6 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thành công bước đầu.
Năm 2013, dự án đã triển khai 9 mô hình tại 9 tỉnh: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng với tổng diện tích 450 ha và 2.250 hộ nông dân tham gia. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn được xây dựng năm 2013 ở phía Bắc cho thấy hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 ha lúa tăng so với ngoài mô hình từ 17-25% tùy theo từng tỉnh. Gần một nửa số mô hình đã được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Năm 2014, dự án xây dựng 1.050 ha mô hình tại 15 tỉnh thuộc ĐBSH, miền Trung và ĐBSCL. Vụ Xuân năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sử dụng giống lúa năng suất, chất lượng cao Thiên Ưu 8, quy mô 60 ha (trong đó có 50 ha được hỗ trợ từ dự án) tại cánh đồng Châu Phần, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mô hình được triển khai tại cánh đồng tương đối rộng, diện tích đủ lớn, địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, cán bộ địa phương có kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất.
Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức giới thiệu giống lúa mới Thiên ưu 8, quy trình kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh cho 300 hộ dân tham gia mô hình.
Cùng thời điểm đó, UBND xã đã chỉ đạo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp triển khai thuê máy làm đất đồng loạt; chỉ đạo các hộ tham gia mô hình cùng ngâm ủ, gieo mạ và chăm sóc lúa cấy theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Các biện pháp kỹ thuật (lấy nước, bón phân, cấp thuốc bảo vệ thực vật…) được tổ chức thực hiện tập trung, đồng bộ.
Trong quá trình sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, UBND huyện Tam Dương, UBND xã Hợp Thịnh thường xuyên kiểm tra mô hình và chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình cơ bản đã đạt các yêu cầu đề ra, lúa sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, chín tập trung không lẫn tạp, năng suất dự kiến trong đợt thu hoạch này đạt khoảng 70 tạ/ha. Nhìn nhận về những thành công bước đầu, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, mối liên kết giữa các “nhà” trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng. Vì vậy, để mô hình thành công trước hết chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chính sách quyết liệt để quy hoạch, cải tạo đồng ruộng một cách bài bản. Cùng với đó là sự năng động của đơn vị đại diện cho bà con nông dân trong việc đứng ra tổ chức nông dân, đại diện cho nông dân ký kết các hợp đồng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
Hiệu quả từ mô hình cũng chỉ có được khi phải có một doanh nghiệp uy tín cung cấp các sản phẩm đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để bà con được mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá thành ưu đãi. Đồng thời, nên có một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Ngoài ra, hệ thống khuyến nông các tỉnh bên cạnh nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân tổ chức sản xuất mà còn phải là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn