Tôi thân thiết với Minh Quang từ trước năm 1975, khi từ mặt trận trở về và anh mới là một diễn viên quê Thanh Hóa nhập ngũ, rồi trở thành hợp xướng viên dàn hợp xướng Đoàn ca múa Quân đội. Giọng hát trầm ấm và rất đẹp, tình yêu nghệ thuật thì rất chứa chan, giá như anh có thêm một chút vóc dáng nữa thì chắc chắn sẽ là một "sao" của Đoàn thời bấy giờ. Cho nên ở đoàn thì cứ mãi đứng hát hợp xướng, nhưng giọng hát lại được mời đi thu đơn ca trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều bài hát do Minh Quang thu thanh được đánh giá cao, được người nghe yêu thích như Lá đỏ hay Tấm áo mẹ vá năm xưa...
Yêu nghệ thuật là thế, tâm hồn là thế, không thành công lĩnh vực này ắt cũng sẽ thành đạt lĩnh vực kia. Lẽ đời là vậy. Từ một hợp xướng viên, anh trở thành một nhà quản lý của đoàn, là Đại tá- Phó trưởng Đoàn ca múa Quân đội và có nhiều thành công trên lĩnh vực sáng tác. Nhiều ca khúc của anh không chỉ nằm lòng chiến sĩ mà được nhiều thế hệ người nghe yêu thích: Hoa sim biên giới (năm 1984), Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara (năm 1985), Cây đàn ghi-ta một dây (năm 1994), Sông Lô chiều cuối năm (năm 1995), Chị ấy hát ru (năm 1999)... Mới đây nhất, nhạc sĩ Minh Quang đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho những sáng tác xuất sắc của mình.
Tuy nhiên, riêng ở bài này, tôi muốn viết về những sáng tác biển đảo của anh. Về những kỷ niệm và tình yêu của anh dành cho biển, đảo và một ca khúc mới của anh. Minh Quang kể với tôi, có một đêm trên đảo Trường Sa, anh đến với những người lính đảo đang giao lưu văn nghệ. Khi tới nơi, anh giật mình thấy những người lính biển vỗ tay say mê hát với đống nhạc cụ là nồi, niêu, xoong, chảo và một cây đàn ghi-ta chỉ còn một dây. Anh lặng người và từ sâu thẳm trái tim mình vọng lên những lời ca: Chỉ lính đảo xa mới có/ Đàn ghi-ta một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát/ Với đàn ghi-ta một dây/ Hát cho hoàng hôn xuống/ Hát cho mặt trời lên. Bài hát nhanh chóng lan truyền trong những người lính và ở đâu có người lính là ở đấy thường vang lên bài ca này. Bạn sẽ càng bất ngờ hơn, bởi bài hát về biển đảo này đã được sáng tác ở Trường Sa cách đây 20 năm. Gần đây nhất, khi đã khá khuya, tôi đã ngủ, bỗng điện thoại rung chuông: "Minh Quang đây. Bạn nghe một sáng tác mới nhất của tôi nhé" . Và ở đầu dây bên kia, tôi nghe tiếng hát trầm ấm của anh: Sóng bạc đầu, sóng đục biển khơi/ Những tháng ngày này Biển Đông đang dậy sóng/ Hoàng Sa ơi Hoàng Sa/ Mộ phần ông cha ta đang ở đó/ Sóng bạc đầu sóng giục lòng ta... Tôi đã thấy mầu cờ Tổ quốc mình bay trên đỉnh sóng/ Lạ kỳ thay đất nước gian nan con người xích lại... Việt Nam ơi! Việt Nam/ Tổ quốc vinh quang lấp lánh trên đỉnh sóng Hoàng Sa...
Bài hát dừng lại và một khoảng lắng cảm xúc. Tôi thấy trên mắt mình tự lúc nào, dâng trào những giọt nước mắt. Tổ quốc lấp lánh trên đỉnh sóng Hoàng Sa, Trường Sa. Tổ quốc lấp lánh cả trong những giọt nước mắt chúng ta luôn yêu thương và suy tư về Người... Cảm ơn Minh Quang, bạn đã cho tôi và mọi người thêm những giai điệu về tình yêu thiêng liêng ấy trong những ngày tháng mà cả nước đang hướng về phía biển, hướng về hai vùng quần đảo thân thương của Tổ quốc.
Theo TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT/Nhân dân điện tử