Cập nhật: 19/07/2014 15:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những trường hợp tung clip phản cảm, phim 18+ lên mạng internet gần đây đã cho thấy rõ sự lúng túng của cơ quan quản lý khi tìm cách xử lý. Lý do lớn nhất là quy định quản lý các sản phẩm văn hóa trên mạng hiện nay dường như đang bị bỏ ngỏ.

Cảnh trong phim "Căn hộ số 69", bộ phim dãn nhãn 18+ đang bị Cục Điện ảnh "tuýt còi". 

Mới đây nhất, trường hợp bộ phim “Căn hộ số 69” được đưa lên internet đã cho thấy khá rõ sự lúng túng trong việc quản lý các sản phẩm văn hóa liên quan đến phim ảnh được phổ biến thông qua mạng internet. Cục phó Cục Điện ảnh, ông Đào Duy Anh thừa nhận, sẽ khó xử lý các phim được tải trên mạng internet qua máy chủ đặt ở nước ngoài.

Ngay sau khi có những phản ánh về bộ phim “Căn hộ số 69” với nhãn dán 18+ có những cảnh dung tục, phản cảm được phát hành thông qua internet, Cục Điện ảnh đã nhanh chóng có cuộc họp với báo chí. Tuy nhiên, trong cuộc họp này, những vi phạm mà cơ quan quản lý phát hiện ra ở “Căn hộ số 69” mới chỉ liên quan đến việc phát hành và dán nhãn phim, còn về phần nội dung thì đại diện của Cục tỏ ra khá lúng túng.

Điều này không khó hiểu, bởi vì xưa nay Cục Điện ảnh mới chỉ quản lý các sản phẩm điện ảnh được phát hành qua các kênh chính thức như chiếu rạp, in băng đĩa, phát hành trên các trang web chính thức trong nước… Còn đối với các sản phẩm được phát hành trên các trang web thông qua server đặt ở nước ngoài, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để quản lý.

Thực tế này đang diễn ra ở cả những lĩnh vực giải trí khác như ca nhạc, giải trí… chứ không riêng gì điện ảnh.

Đó chính là lý do gần đây, hàng loạt sản phẩm văn hóa dung tục phản cảm được phát trên mạng như clip quảng cáo của Ngọc Trinh, clip “Phiếu bé ngoan” của Yanbi và Mr. T… làm dư luận phản ứng dữ dội, nhưng cơ quan quản lý khá lúng túng trong việc tìm hướng xử lý, và thường xử lý sau khi báo chí lên tiếng… Ngay cả một số nhà quản lý ngành cũng thừa nhận, những hiện tượng tiêu cực họ thường nắm được là từ thông tin báo chí.

Cụ thể, trong buổi họp tổng kết sáu tháng đầu năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương thừa nhận, các vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay, Cục xử lý chủ yếu qua phản ánh của báo chí chứ các Sở vẫn chưa chủ động.

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nêu rõ, do luật thiếu quy định cho nên mỗi khi có trường hợp ca sĩ, người mẫu, diễn viên tung hình ảnh hở hang, phản cảm lên mạng là cơ quan quản lý lại gặp khó khăn. Bản thân các cơ quan chức năng liên quan cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ hoặc thống nhất với nhau trong việc quản lý.

Ông Chương nói, trước mắt Cục mới chỉ tạm đình chỉ những ca sĩ, người mẫu, diễn viên cố tình sai phạm. Về lâu dài, cần có sự phối hợp giữa thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin – Truyền thông để điều chỉnh. Nghệ thuật biểu diễn đang ngày càng phức tạp và cơ quan quản lý phải bám sát, phải thay đổi để phù hợp với tình hình.

Chung ý kiến với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, hiện nay khoảng 70% server đặt ở nước ngoài, cho nên khi sản phẩm điện ảnh bị cấm phát hành trong nước, nhà sản xuất bèn tìm cách lách luật bằng việc tải phim từ server nước ngoài. Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị tung toàn bộ phim trên mạng Youtube sau khi bị Cục Điện ảnh cấm phổ biến là một thí dụ.

Ông Đỗ Duy Anh nói: “Đây là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý, và chúng tôi sẽ phải làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, bởi vì việc tải nội dung lên mạng internet liên quan đến quản lý nội dung số của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà quản lý cần phải ngồi lại với nhau để xiết chặt việc quản lý các sản phẩm văn hóa trên mạng, không nên để tình trạng cửa hẹp thì canh, còn cửa lớn lại bỏ ngỏ như hiện nay.

 

Theo ĐỖ QUYÊN/Báo Nhân dân điện tử 

Tệp đính kèm