Cập nhật: 29/07/2014 17:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát triển mỹ thuật nhằm góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; đóng góp cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để các họa sỹ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Bên cạnh đó, đào tạo, phát triển nhân lực mỹ thuật có năng lực sáng tạo bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội; phát triển ngành nghề mỹ thuật ứng dụng, khuyến khích việc sáng tạo ra các mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.Đồng thời, xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà triển lãm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật đương đại tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật tại Đà Nẵng. Phấn đấu đến năm 2030 các thành phố trực thuộc Trung ương có Bảo tàng Mỹ thuật.

Nâng cao trình độ sáng tác, thể hiện tác phẩm 

Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch là phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm cho các họa sỹ, nhà điêu khắc, cán bộ quản lý, người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình về mỹ thuật ở các cơ quan trung ương, địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo mỹ thuật trong các trường đại học, cao đẳng theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, đồng thời giữ gìn phát huy mỹ thuật truyền thống; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với các họa sỹ, nhà điêu khắc có trình độ chuyên môn giỏi, có thành tích xuất sắc.Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, cải tạo các công trình mỹ thuật có quy mô phù hợp trong đó ưu tiên cho các địa phương thuộc các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực.Tăng cường xã hội hóa, tăng nguồn thu hợp pháp sử dụng cho đầu tư phát triển mỹ thuật. Nhà nước hỗ trợ việc sáng tác các tác phẩm, công trình mỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Đẩy mạnh nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng

Cũng theo Quyết định, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật trong nhà trường, trong mọi tầng lớp xã hội; nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi ngư­ời dân về vị trí, vai trò của mỹ thuật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.Khuyến khích các tác giả công bố tác phẩm mỹ thuật bằng hình thức triển lãm, in sách, làm phim để giới thiệu trong nước và quốc tế; tuyển chọn các tác phẩm có giá trị cao để triển lãm, xuất bản, phổ biến.Ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao cho hoạt động sáng tác, phục chế, sửa chữa tác phẩm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng; khai thác tối ­ưu công nghệ thông tin và phối hợp tốt với đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng bá, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật. Lựa chọn những công trình nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật để giới thiệu, xuất bản.

Đẩy mạnh nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống; ứng dụng để sáng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính thẩm mỹ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hoặc mang lại lợi ích thiết thực.

 

Theo Hoàng Diên/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm