Chính phủ Canada sẽ trao 800-1.000 liều vaccine thử nghiệm ngừa virus Ebola cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm góp phần ứng phó với đại dịch đang hoành hành ở Tây Phi.
Cụ thể, Canada sẽ trao từ 800-1.000 liều vaccine VSV-EBOV cho WHO. Vaccine này do các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia (NML), Cơ quan y tế công Canada (PHA) phối hợp điều chế.
Qua thử nghiệm ban đầu, vaccine VSV-EBOV đã phát huy tác dụng trên động vật nên được Chính phủ Canada cấp phép điều chế cho người và giao cho công ty công nghệ sinh học BioProtection Systens thực hiện.
Quyết định trao vaccine VSV-EBOV cho WHO được Chính phủ Canada đưa ra sau khi Ủy ban cố vấn đạo đức y tế công Canada (PHEAB) và Nhóm chuyên gia y tế của WHO khẳng định việc áp dụng những thành quả nghiên cứu bước đầu này sẽ không vi phạm y đức do dịch bệnh Ebola đang bùng phát rất mạnh, đe dọa sức khỏe và sinh mạng của nhiều người.
Trước đó, ngày 12/8, WHO đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
ZMapp là loại huyết thanh gồm ba kháng thể, do một hãng dược phẩm của Mỹ bào chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gene. Loại thuốc này đã được sử dụng cho hai nhân viên của tổ chức phi chính phủ Samaritan's Purse (Mỹ) tại Liberia, cả hai người này đã phản ứng tốt với ZMapp. Tuy nhiên, một bệnh nhân khác là nhà truyền giáo người Tây Ban Nha cũng được sử dụng loại thuốc này, đã tử vong.
Một số diễn biến khác:
- Ngày 13/8, Tổng thống Guinea Alpha Conde tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế khi dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của 377 người ở quốc gia này.
- Theo số liệu mới nhất của WHO, chỉ trong 2 ngày 10-11/8, đã có thêm 128 ca nhiễm virus Ebola và 56 ca tử vong ở Tây Phi, nâng tổng số người chết trong đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của dịch bệnh này lên con số 1.069.
- WHO cảnh báo, Kenya là quốc gia có nguy cơ cao lây truyền virus Ebola bởi nước này là điểm quá cảnh của nhiều chuyến bay đến từ Tây Phi. Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất của WHO về nguy cơ Ebola có thể lây lan sang Đông Phi.
- Đức yêu cầu tất cả công dân, trừ nhân viên y tế rời khỏi 3 quốc gia có dịch Ebola hoành hành mạnh nhất là Guinea, Sierra Leone, Liberia.
- Guinea-Bissau quyết định đóng cửa biên giới với Guinea. Ghana quyết định cho các trường đại học, cao đẳng lùi thời điểm khai giảng năm học mới ít nhất 2 tuần nhằm kiểm tra sức khỏe đối với sinh viên đến từ các quốc gia có dịch Ebola. Trong khi đó, Liên minh châu Phi cam kết viện trợ 1 triệu USD để giúp ngăn chặn dịch.
Theo Hoàng Anh (tổng hợp)/Chinhphu.vn