Cập nhật: 17/08/2014 14:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều hàng Việt như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn về thương mại, đầu tư… song cũng đứng trước nhiều thách thức, buộc phải nâng cao cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải cách mạnh hơn về môi trường đầu tư kinh doanh. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các lợi ích và thách thức mới cho doanh nghiệp” tổ chức chiều (16/8), tại Hà Nội.

 

TS Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo

Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do giữa 12 nước thành viên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia kinh tế, riêng về thương mại, khi Hiệp định này có hiệu lực, 90% dòng thuế sẽ được giảm về 0%. Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Australia... Nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.

Chẳng hạn, hiện nay ngành dệt may xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế suất trung bình 17%, cao nhất 32%, thì khi thuế giảm xuống 0%, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng mạnh.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương mại.

Theo ông Thành, “Hiệp định TPP chất lượng rất cao, bên cạnh những vấn đề truyền thống như thương mại, dịch vụ, đầu tư, có rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách sau đường biên giới như: doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ. Vậy nên đòi hỏi của nó rất cao, nhưng rất nhất quán với những quá trình cải tổ, cải cách của chúng ta hiện nay. Bởi vì bản chất của hiệp định này là môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch. Và cải cách của Việt Nam cũng phải vậy.”

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mang lại, Việt Nam cần vượt qua được những thách thức lớn trong thực thi cam kết. Theo đó, khi tham gia vào một “sân chơi” rộng lớn như TPP cũng đồng nghĩa với việc mở cửa mạnh hơn, nên cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Ngay cả với những ngành hàng được xem là có lợi thế khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng có thể vấp phải không ít rào cản.

Chẳng hạn, để được hưởng thuế suất 0%, ngành dệt may Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, từ sợi phải nhập từ các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Với thủy sản, thuế suất không còn là rào cản chính nhưng các biện pháp kiểm dịch lại nghiêm ngặt hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ ngoài khối TPP.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, “Nhà nước ta cần tạo ra một môi trường về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh mà ở đó các doanh nghiệp có thể phát huy được sáng tạo của mình một cách cao nhất. Tôi tin rằng với hệ thống pháp luật kinh tế tương đối hoàn thiện tạo một môi trường để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi hơn trong việc thực hiện TPP. Trong đó chuyển ngành công nghiệp từ gia công sang sản xuất, tái cấu trúc lại nền nông nghiệp….để tạo ra một thị trường, điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mà nâng tỉ lệ nội địa hóa lên để tham gia vào TPP.”

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do khu vực rất lớn, bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Hiện, 12 nước thành viên TPP vẫn đang tiếp tục đàm phán, để có thể hoàn tất vào cuối năm nay hoặc sang năm 2015. Các chuyên gia khuyến cáo, các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin, những cam kết cụ thể liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình, từ đó có chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng được các cơ hội, lợi ích từ hiệp định này./.

 Theo Việt Hà - Bích Việt/VOV.VN

Tệp đính kèm