Đây là chủ đề cuộc hội thảo tại Pháp, quy tụ đông đảo giới học giả và nghiên cứu, những người làm nghệ thuật của Pháp, VN, Mỹ, Nhật Bản...
Sáng 4/9, tại Bảo tàng quốc gia Pháp về nghệ thuật châu Á Guimet ở trung tâm Thủ đô Paris, cuộc hội thảo với chủ đề "Nghệ thuật Việt Nam: những cách tiếp cận mới" đã được khai mạc.
Hội thảo quy tụ đông đảo giới học giả và nghiên cứu, những người làm nghệ thuật của Pháp, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Singapore...
Hội thảo "Nghệ thuật Việt Nam: những cách tiếp cận mới" do Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông (CREOPS) thuộc trường Đại học Paris-Sorbonne phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan của Pháp và Việt Nam.
Hội thảo được đánh giá là một sự kiện lớn, mang ý nghĩa đặc biệt hưởng ứng dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt và Năm Việt Nam tại Pháp. Đây là hội thảo khoa học cuối cùng khép lại chuỗi hội thảo trong Năm Việt nam tại Pháp, tiếp theo các cuộc thảo luận chuyên đề đã diễn ra tại Pháp, như hội thảo về "Kịch Pháp tại Đông Dương", hội thảo "Việt Nam đương đại: Văn học, điện ảnh, ngôn ngữ", hội thảo "Từ Đông Dương thuộc địa tới Việt Nam ngày nay".
Hội thảo lần này được đánh giá là dịp để giới thiệu tới các nhà nghiên cứu, những người làm nghệ thuật và công chúng của Pháp và thế giới về những ngành nghệ thuật của Việt Nam; đưa ra những các tiếp cận mới về bức tranh tổng thể về các ngành nghệ thuật của Việt Nam trong lịch sử và đương đại, từ các ngành, lĩnh vực nghệ thuật tới những nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật đương đại, từ đó đưa ra các cách thức bảo tồn, bảo tàng và duy trì các ngành nghệ thuật đặc sắc này.
Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo tại 3 cơ quan và bảo tàng lớn tại trung tâm Thủ đô Paris, Pháp là hoạt động nhằm vinh danh nền nghệ thuật và văn hóa của Việt Nam, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt. Đại sứ Dương Chí Dũng nói:
"Hôm nay, có thể là lần đầu tiên các ngành nghệ thuật của Việt Nam cùng được đề cập đến một cách tổng thể với sự đa dạng của các loại hình nghệ thuật cũng như sự phát triển của chúng trong lịch sử. Không chỉ những nét khác biệt của các ngành nghệ thuật của Việt Nam về sơn mài, gốm sứ, khảo cổ, hội họa... sẽ được phân tích, mổ xẻ, mà các nghệ sĩ của Việt Nam, sự hội nhập của Việt Nam vào nghệ thuật thế giới, hoạt động bảo tàng, lưu giữ các môn nghệ thuật cũng như hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này... cũng sẽ là những chủ đề thảo luận phong phú. Tôi hy vọng trong 3 ngày hội thảo, các học giả với những quan điểm, các tiếp cận phong phú, mới mẻ, sẽ mang đến những hiểu biết mới về các ngành nghệ thuật của Việt Nam cũng như các bước phát triển của các ngành nghệ thuật này, đưa ra những quan điểm nhằm bảo tồn và làm phong phú thêm cho các ngành nghệ thuật, góp phần vào sự đa dạng về văn hóa của thế giới".
Về phần mình, Bộ trưởng - Chủ tịch Viện Pháp Xavier Darcos đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông (CREOPS) thuộc trường Đại học Paris-Sorbonne và khẳng định quy mô, thành phần cũng như những lĩnh vực đa dạng, phong phú được đề cập cho thấy ý nghĩa quan trọng của cuộc hội thảo trong sự giao lưu văn hóa và phát triển quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.
Ông Xavier Darcos cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt và năm giao lưu chéo quan hệ giữa hai nước 2013-2014; và khẳng định Viện Pháp luôn sát cánh với các cơ quan chức năng của hai nước, sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động hợp tác, giao lưu và phát triển văn hóa giữa Pháp và Việt Nam.
Giới thiệu nghệ sĩ và nghệ thuật bằng phim tư liệu
Ngay trong hai phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo với chủ đề "các nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay" và "Kinh đô và các trung tâm quyền lực", với cách thể hiện và tiếp cận mới, đan xen giữa hình thức thảo luận với việc giới thiệu những nghiên cứu, tiếp cận bằng hình ảnh, các đoạn phim ngắn..., các nhà nghiên cứu đã mang đến một cái nhìn mới, đầy màu sắc và bất ngờ về các ngành nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật ở Việt Nam.
Sau Bảo tàng Guimet, hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại Viện Lịch sử và Nghệ thuật quốc gia Pháp (INHA) ngày 5/9 với chủ đề về gốm sứ và nghệ thuật hiện đại và đương đại của Việt Nam, và tại Bảo tàng Quai Branly - Paris ngày 6/9 với chủ đề về nghệ thuật di sản và sưu tập, bảo tàng, hội nhập và toàn cầu hóa)../.
Đào Dũng/VOV – Paris/VOV.VN