Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%, các tháng cuối năm, tín dụng phải đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 9,7-11,7%. Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng hiện còn gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có cơ sở để thực hiện.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Đây là một nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Nhiều nút thắt chờ tháo gỡ
Đại diện ngân hàng thương mại, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, ông đánh giá tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng còn thấp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó vẫn là vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, ngoài ra là rào cản về nợ xấu.
Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm. Các DN vừa và nhỏ vẫn bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch, điều kiện vay vốn hạn chế. Khi tiếp cận vay vốn thì tình hình tài chính và tài sản đảm bảo là thách thức lớn với các DN này. Còn đối với DN đầu tư nước ngoài (FDI), đa phần chủ động về vốn do công ty mẹ nước ngoài chuyển về, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngoại tệ, nhưng các công ty này vẫn tìm mọi cách chuyển giá, lỗ giả lãi thật. Còn tín dụng tiêu dùng cũng trầm lắng do các cá nhân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.
Vấn đề lớn là “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được khơi thông, thậm chí nợ xấu toàn hệ thống có dấu hiệu tăng, vượt mức 4%. Dù NHNN đã tích cực xử lý nợ xấu của các NHTM thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống NHTM chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.
Hoạt động của VAMC mua và xử lý nợ xấu còn khiêm tốn, trong đó hành lang pháp lý về xử lý nợ còn nhiều vướng mắc liên quan đến các ngành khác nhau ngoài ngân hàng. Ngoài ra, các gói có tính chất “kích cầu” như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ giải ngân còn hạn chế do nguồn cung trên thị trường thiếu, phối hợp triển khai còn hạn chế với các vướng mắc về thủ tục.
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tính đến hết ngày 31/8/2014, đã có 7.064,2 tỷ đồng được cam kết cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân để mua nhà và các doanh nghiệp, tổ chức để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường. Tổng số tiền đã giải ngân là 3.074 tỷ đồng.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank cho rằng, vẫn có tâm lý e ngại từ doanh nghiệp về lãi suất trung và dài hạn, các doanh nghiêp sợ bị “mắc lừa” khi không ít ngân hàng tung ra khuyến mãi vào năm đầu nhưng sau đó lại đưa ra lãi suất theo thị trường do ngân hàng quyết định. Hơn nữa, hiện nay lãi suất đầu ra “kéo” xuống chưa tương xứng vì tỷ lệ nợ xấu còn cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn, (còn nếu không phải trích lập thì lợi nhuận NH sẽ rất cao).
Các ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa “gặp” được nhau vì nhiều DN có nhu cầu vay vốn lại dưới chuẩn vay của ngân hàng, trong khi việc tháo gỡ, hỗ trợ DN lập các dự án hiệu quả chưa sâu sát.
Phải tích cực tìm kiếm, chăm sóc khách hàng
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, muốn tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận tốt phải xác định có chiến lược đầu tư bài bản, bước đi đúng đắn, không xa rời mục tiêu ban đầu, “không ăn xổi ở thì.”
Dự báo về lãi suất, ông Phạm Huy Thông cho rằng, với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5% đến dưới 6%, để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm. Còn theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu không có biến động đột biến của CPI, các TCTD có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm. Do đó, ông Thông nhận định, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%, các tháng cuối năm, tín dụng phải đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 9,7-11,7%.
Đại diện Vietinbank cho rằng mức tăng trưởng này có cơ sở để thực hiện bởi theo quy luật thị trường, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh và nhanh từ cuối quý III. Các NHTM cần tiếp tục hỗ trợ khách hàng bằng mức lãi suất hợp lý, giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung triển khai các gói kích cầu theo lĩnh vực ưu tiên: Cho vay nông nghiệp nông thôn; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay xuất khẩu…
Có cùng quan điểm, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc NH TMCP Đông Nam Á (SEAbank) cho rằng, bên cạnh những ngành khó khăn, nhiều ngành, vùng vẫn có tăng trưởng và nhu cầu tín dụng ổn định như sản xuất hàng thiết yếu ăn, mặc, uống; thức ăn chăn nuôi, phân bón... Ngay cả trong ngành khó khăn, vẫn có DN phát triển tốt như thép Hoà Phát (cổ phiếu nóng)…
Tuy nhiên, ông Khánh thẳng thắn chia sẻ, đã không còn thời "ngồi mát ăn bát vàng" như trước kia, thời mà DN “nài nỉ” mãi NH mới cho vay. Hiện giờ các ngân hàng phải “năng nhặt chặt bị”, tích cực tìm kiếm các khách hàng có đủ điều kiện vay. Trước kia, với các khoản vay nhỏ nhiều ngân hàng không quan tâm, thì nay phải đa dạng để điều chỉnh theo từng lĩnh vực chứ không thể trông chờ dồn tín dụng vào một lĩnh vực, tránh rủi ro khi lĩnh vực đó gặp khó khăn. Thậm chí với các DN lớn mạnh, uy tín, thì ngân hàng phải xem xét cho vay tín chấp, nếu khi cho vay mà cứ "máy móc" bắt buộc đòi tài sản đảm bảo thì sẽ khó cạnh tranh.
Huy Thắng
Theo Chinhphu.vn