Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), Ban quản lý Khu công nghệ cao và Hiệp hội công nghệ bán dẫn Thành phố phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao Việt Nam Semi lần thứ 2 với chủ đề thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Đây là cơ hội cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước có thể trao đổi học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn nhất và đang là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực vi mạch điện tử, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất; trong đó, đóng góp lớn là sự có mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về vi mạch điện tử đã đầu tư vào thành phố như Intel, Samsung.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng hoạt động trong lĩnh vực này, trước đây các doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thiết kế nay đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trong đó sản xuất có quy mô lớn nhất là Công ty Công nghiệp Sài Gòn.
Thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực, dành chi phí lớn cho nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các sản phẩm sử dụng công nghệ vi mạch.
Năm 2012, Thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020, định hướng và tạo hành lang pháp lý cho ngành này phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề về tổng quan thị trường bán dẫn, công nghệ LED toàn cầu; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, thực trạng sản xuất và phát triển nguồn nhân lực cho ngành này tại Việt Nam; chiến lược, thách thức và tìm kiếm cơ hội nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội công nghệ vi mạch bán dẫn thành phố, nhận định chủ trương của thành phố đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào lĩnh vực thiết kế vi mạch là rất quan trọng trong việc tạo chuỗi công nghệ hoàn chỉnh cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch.
Xây dựng được cộng đồng các doanh nghiệp thiết kế vững mạnh là yếu tố sống còn quyết định sự chủ động của ngành công nghiệp vi mạch khi tham gia thị trường thế giới.
Nếu lĩnh vực thiết kế không được quan tâm đúng mức thì các doanh nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam chỉ là những đơn vị gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo bà Bettina Weiss, Phó Tổng giám đốc quản lý sản phẩm và phát triển kinh doanh SEMI, hơn 400 công ty trên thế giới đã và đang chế tạo, đóng gói các thiết bị vi mạch với doanh thu toàn cầu dự kiến sẽ đạt trên 350 tỷ USD vào năm 2016.
Nhiều sản phẩm trong số các thiết bị đó được xem là những thiết bị quan trọng không những cho các nhà sản xuất thiết bị điện thoại di động mà còn đang tăng dần trong lĩnh vực khác như máy tính, truyền thông và các thiết bị kết nối cần thiết cho công việc, giáo dục và giải trí.
Để có sự phát triển vững mạnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn cần tăng cường hợp tác chặt chẽ và liên tục đổi mới để tích hợp hệ thống và kết nối liên thông./.
THU HOÀI (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thuc-day-vai-tro-cua-viet-nam-trong-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau/281661.vnp