Cập nhật: 26/09/2014 08:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kế hoạch hành động nhằm phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đã chính thức được khởi động.

Thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, trong tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển các (4) ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp máy nông nghiệp.

Hội thảo mới đây do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức nhằm công bố các kế hoạch hành động nói trên và cách thức triển khai, thực hiện. CIEM, một đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là cơ quan thường trực của Tổ công tác thực hiện Chiến lược nói trên.

Các đại biểu tham dự hội thảo, đến từ các bộ, ngành, địa phương liên quan, đều cho rằng Chiến lược công nghiệp hóa nói trên cũng như các kế hoạch hành động đã được ban hành đúng lúc thực tế đang đòi hỏi. Nhiều ý kiến cùng nhắc tới những vấn đề thường xuyên được báo chí đề cập tới, như việc “doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung cấp được bao bì cho Samsung” hay chuyện cá ngừ của Việt Nam sang Nhật…

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT thừa nhận hiện giá trị gia tăng trong nông nghiệp rất thấp do chủ yếu chế biến thô.

“Một con cá ngừ ngư dân chúng ta lấy vồ đập chết thì không bán cho Nhật được, nhưng nếu có máy câu đàng hoàng, gây mê, bảo quản tươi thì giá tăng lên rất nhiều. Quả thanh long xuất khẩu sang Mỹ cũng có giá cao gấp từ 8-10 lần xuất sang Trung Quốc, tất nhiên là phải tiền nào của nấy”, ông Hòa đưa ra một loạt những ví dụ.

Ông Hòa cho rằng nếu làm được như kế hoạch, thì giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam có thể lên tới 60 tỷ USD, gấp đôi so với hiện nay. Mặt khác, nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến cũng là con đường buộc phải đi khi không còn dư địa để phát triển theo chiều rộng nữa.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì nhấn mạnh “cơ hội rất lớn” của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI hiện nay với rất nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia có công nghệ cao đang tìm đến Việt Nam. Vấn đề là khoảng cách về công nghệ và nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vẫn quá xa. Ông cho biết các doanh nghiệp rất phấn khởi với Quyết định của Thủ tướng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật và các nhà đầu tư Nhật, những đối tác rất đáng tin cậy.

Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tham dự hội thảo nhấn mạnh rằng mục đích chính trong việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa là tạo một môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó đòi hỏi sự thay đổi chính sách từ phía Việt Nam.

Sự lựa chọn của cả hai bên

Trả lời phỏng vấn Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia (canhtranhquocgia.vn), bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM khẳng định rằng mục tiêu của Chiến lược và các kế hoạch là mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật Bản cũng như các nước khác và để doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản. Hai bên cùng thảo luận và lựa chọn các ngành mà Việt Nam có tiềm năng lớn, có ưu thế so với các nước khác, còn Nhật Bản rất mạnh và có thể hỗ trợ.

Có nhiều điểm khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề của Chiến lược và các kế hoạch so với các chương trình trước đây. Thứ nhất, các kế hoạch rất ngắn gọn nhưng rất cụ thể, chỉ rõ những ngành nào, sản phẩm nào cần ưu tiên và trong ngành nghề đó, sản phẩm đó có những vướng mắc, khó khăn gì cần tháo gỡ, hành động cụ thể để tháo gỡ là gì.

Ví dụ, chế biến nông lâm thủy sản thì lựa chọn các sản phẩm cao su, chè, cà phê, tôm, rau quả và xác định các vấn đề của ngành này là chủ yếu chỉ chế biến thô, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, chưa có thương hiệu. Mục tiêu tới năm 2020 là xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông, lâm, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao, xác lập từ 3 đến 5 mặt hàng có thể tạo nên hình ảnh thương hiệu của Việt Nam.

Thứ hai, có sự tham gia, quan tâm của rất nhiều bên, trong đó có doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp sẽ hiện thực hóa các mục tiêu của kế hoạch này. Phía Nhật Bản đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản trước khi lựa chọn các ngành nghề.

“Chúng ta muốn thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản thì phải lựa chọn các ngành nghề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Doanh nghiệp không quan tâm thì không thể thành công. Từ 36 ngành đưa ra nghiên cứu ban đầu, nhưng qua cân nhắc, lựa chọn thì cuối cùng còn 6 ngành như Quyết định của Thủ tướng”, bà Tuệ Anh chia sẻ.

Bà Phó Viện trưởng kỳ vọng, nếu làm tốt các ngành đã được lựa chọn sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Nhật Bản, ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 12/2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên của Chiến lược trên.

Tầm nhìn của Chiến lược là phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn, bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô trở thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, tăng trưởng năng suất lao động, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ và đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến.

Ngày 01/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1290/QĐ-TTg; 1291/QĐ-TTg; 1292/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển các (4) ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng. Ngày 12/8, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 1342/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp. 

Thành Đạt

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm