Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã cấm nhập khẩu chất thải nhưng một số loại phế liệu đã được làm sạch vẫn được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Lợi dụng việc này, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu chất thải bất hợp pháp dưới hình thức khai báo là phế liệu nhập khẩu.
Vấn đề buôn bán chất thải và hóa chất cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Ảnh minh họa
Đây là thực trạng được nêu lên tại Hội thảo tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã cấm nhập khẩu chất thải nhưng một số loại phế liệu đã làm sạch vẫn được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Lợi dụng việc này, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bất hợp pháp chất thải vào Việt Nam dưới hình thức khai báo là phế liệu nhập khẩu.
Các loại hàng nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường được phát hiện chủ yếu là phế liệu sắt thép, nhựa, đồng, nhôm chưa được làm sạch; giấy, cao su, silicon, nylon, máy móc, thiết bị cũ lạc hậu hoặc có chứa chất thải nguy hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép; hoặc thậm chí toàn bộ lô hàng là chất thải nguy hại…
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do việc nhập khẩu phế liệu từ các nước tiên tiến thường mang lại lợi nhuận cao, khiến không ít doanh nghiệp trong nước tìm cách “lách luật”, ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thu lợi bất chính.
Thủ đoạn vận chuyển, nhập rác trái phép được núp dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba với những mặt hàng hợp pháp khi làm thủ tục khai báo, được ngụy trang rất tinh vi, nhưng thực chất bên trong lại là phế thải và khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên hợp đồng thường có công văn từ chối nhận hàng.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là một chủ trương đúng của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên trong nước đang dần cạn kiệt. Đây được coi là cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa thị trường cung cấp, phân phối phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bởi vậy, để quản lý tốt việc xuất, nhập khẩu phế liệu nhằm bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Đồng thời phải tăng cường giám sát các hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị này. Nếu phát hiện vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy xác nhận và thông báo cho Hải quan không cho phép nhập phế liệu, cho đến khi đơn vị khắc phục, xử lý chất thải đảm bảo đúng quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, để kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động vận chuyển, buôn bán chất thải và hóa chất, đặc biệt là việc nhập khẩu bất hợp pháp vào Việt Nam, điều quan trọng là cần nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế cũng như các quy định quốc gia về môi trường. Việc thực thi này phụ thuộc nhiều và cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan ở cấp quốc gia và địa phương, đặc biệt quan trọng là vai trò của lực lượng hải quan, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương có cảng biển, cửa khẩu.
Chuyên gia pháp lý Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) Wanhua Yang đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang xây dựng các Thông tư, Nghị định đối với việc quản lý chất thải và phế liệu. Theo đó, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã đưa ra những chế tài xử lý mạnh hơn đối với các đối tượng và hành vi buôn bán chất thải nguy hại.
Bà Wanhua Yang khẳng định Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn xây dựng chính sách hiệu quả nhằm cải thiện hơn nữa đối với những mối nguy hại trong việc nhập khẩu, buôn bán chất thải nguy hại, phế liệu chưa qua kiểm soát, kiểm duyệt.
Thu Cúc
Theo Chinhphu.vn