Cột cờ Hà Nội, chứng nhân lịch sử đặc biệt từ lâu đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô, của đất nước 60 năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh, nguyên chiến sỹ tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô
60 năm qua, những nhân chứng được vinh dự chứng kiến ngày giải phóng Thủ đô ngày một thưa dần. Nhưng có một chứng nhân lịch sử thì vẫn trường tồn với thời gian, đó là Cột cờ Hà Nội - nơi diễn ra lễ thượng cờ, chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954
Nhớ lại giờ phút lịch sử ấy, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, nguyên chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, cũng là người con của đất Hà Thành, năm nay đã ngoài 90 tuổi, xúc động chia sẻ: lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trên nền trời Hà Nội, thay thế cho cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu Tưởng trước đó. Ngay từ đêm 9/10/1954, bộ đội công binh của Trung đoàn Thủ đô – Đại đoàn quân tiên phong 308 đã lắp lên cột cờ một ống thép nặng 2 tạ, cao 12m để treo lá cờ Tổ quốc rộng hơn 50m2 lên độ cao 45m. Người kéo lá cờ Tổ quốc lên cao là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại
Ông Nguyễn Mạnh, nguyên chiến sỹ tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô tự hào kể: lúc đó ông vừa tròn 17 tuổi, được đứng trong hàng quân làm lễ chào cờ, ông rất xúc động và tự hào. Chiều 10/10, toàn thành phố dồn về khu vực sân Cột cờ Hà Nội đón chờ giây phút lịch sử. Người dân đứng rất đông, nhưng rất trật tự, trên tay vẫn cờ hoa nô nức vẫy chào. Buổi chào cờ Tổ quốc đầu tiên dưới chân Cột cờ diễn ra trong thời tiết đẹp, nắng nhẹ, bầu trời trong xanh.
Ông Nguyễn Mạnh nhớ từng chi tiết: 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, đoàn quân nhạc cử quốc thiều, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên và toàn quân, toàn dân hướng lên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội: “Buổi chào cờ rất long trọng. Khi hành quân theo đường Hoàng Diệu vào, thì Trung đoàn Thủ đô là đơn vị tiến vào, rồi các đơn vị khác đơn vị khác. Đại diện là 368 rồi sư đoàn 351 pháo binh, 367 súng cao xạ, bộ binh và thông tin. Anh Trần Đông lúc đó được phân công là tổng trực tinh, anh đứng lên báo cáo với đại đoàn trưởng Vũ Yên là đội hình các đơn vị đã chỉnh tề, sau khi báo cáo xong, anh Vũ Yên báo cáo với thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản, xong thì tiếng nhạc vút lên, chào cờ. Các bác cảm động lắm”.
Đại tá Trần Đông, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô – người được giao nhiệm vụ là tổng trực tinh (là người thay mặt chỉ huy để tập hợp bộ đội) tại lễ chào cờ kể: chiều ngày 10/10, toàn thành phố hướng về thành Hoàng Diệu, trên sân vận động Cột cờ, tại đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, cơ giới... tập hợp thành hình khối vuông, chuẩn bị làm lễ chào cờ. Khi đoàn quân đã chỉnh tề, ông chính là người thay mặt đại đoàn báo cáo với Đại đoàn trưởng Vũ Yên: toàn bộ các đơn vị đã sẵn sàng.
Đại tá Trần Đông, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô
Ông Trần Đông cũng cho biết, mặc dù trước đó đã nhiều lần dự lễ chào cờ ở chiến khu, nhưng chưa khi nào trong lòng ông phơi phới như tại lễ chào cờ ngày tiếp quản Thủ đô 10/10 năm 1954, khi Đại đoàn quân Tiên phong tiến về Thủ đô với tư thế của người chiến thắng:“Chào cờ ở giữa Thủ đô thì đó là lần đầu tiên tôi được tham dự. Việc treo lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Hà Nội là một kỷ niệm đặc biệt đối với nhân dân ta sau gần 80 năm dưới ách đô hộ. Hôm đó tôi được lệnh là tổng trực tinh toàn bộ khối các đơn vị đã tham gia tiếp quản Thủ đô ở sân Cột cờ. Tôi làm nhiệm vụ tổng trực tinh để báo cáo với đồng chí Đại đoàn trưởng Vũ Yên là đã tập hợp xong bộ đội”.
Quốc thiều vừa dứt, cũng tại sân vận động Cột cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội bước ra đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô qua loa phóng thanh. Trong thư Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể !”… Bác căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Đó là những giờ phút thiêng liêng không chỉ với những người chiến sỹ về tiếp quản Thủ đô mà với cả nhân dân Hà Nội. Thư của Bác nhận được những tiếng tung hô kính trọng từ đáy lòng nhân dân Thủ đô đồng loạt vang lên mạnh mẽ, xúc động: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Cột cờ Hà Nội
Ngày nay cột cờ Hà Nội là một di tích Quốc gia đã được xếp hạng, nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đại tá Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Cột cờ đã trở thành điểm tham quan không chỉ của người dân Thủ đô mà của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. Nơi đây, dưới chân Cột cờ thiêng liêng ngày nay vẫn diễn ra các hoạt động gặp mặt của cựu chiến binh, các trường tổ chức lễ kết nạp đội viên, thậm chí trưng bày nhiếp ảnh.
Đại tá Nguyễn Xuân Năng nói: “Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ thời Nguyễn, dưới triều vua Gia Long. Đến nay đã trải qua hơn 200 năm. Đây là một cột cờ lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng được treo lên là sau cách mạng tháng Tám vào ngày Quốc khánh 2/9. Sau đó đến ngày giải phóng Thủ đô, lá cờ đỏ sao vàng lại tiếp tục được tung bay trên cột cờ Hà Nội và từ đó tới nay cờ Tổ quốc thường xuyên treo trên cột cờ này”.
Cũng bởi vậy nên, Cột cờ Hà Nội, chứng nhân lịch sử đặc biệt từ lâu đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô, của đất nước. 60 năm qua, lúc nào lá cờ đỏ sao vàng cũng tươi rói, phần phật tung bay trong gió, khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền của đất nước. Ngày giải phóng Thủ đô, ôn lại những kỷ niệm tươi đẹp, tự hào để càng trân quý hơn giá trị của hòa bình hôm nay./.
Theo Nguyên Nhung/VOV.VN