Cập nhật: 14/11/2014 09:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nâng tầm tư tưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần “chấn hưng” đạo đức xã hội vừa được đưa ra tại Hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong VHNT Việt Nam hiện nay”.

Một số tác phẩm văn học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương tổ chức. Sau hai ngày làm việc mới đây, hội thảo đã mở ra nhiều góc nhìn đa chiều trên các bình diện VHNT đương thời, trong đó nổi bật là các vấn đề cốt lõi: Vấn đề đạo đức xã hội với tư cách là đối tượng phản ánh của VHNT; Thực trạng đạo đức xã hội - Những vấn đề đặt ra trong sáng tác; Trách nhiệm của văn nghệ sĩ và những giải pháp phát huy vai trò VHNT trong bồi đắp, xây dựng đạo đức con người.

"Loạn chuẩn" đạo đức trong VHNT

Tại Hội thảo, giới nghiên cứu văn nghệ đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng sáng tạo VHNT hiện nay đang trong tình trạng "loạn chuẩn" đạo đức, nhiều tác phẩm nghệ thuật đang ở “cao điểm” của “chất lượng thấp”, chạy theo thị hiếu.

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương khẳng định, trong lĩnh vực VHNT, đặc biệt là các loại hình sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục. Chính sự gia tăng xu hướng giải trí dẫn tới tình trạng nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, bỏ quên chức năng định hướng, giáo dục đạo đức, nhân cách cho con người trong xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan của một bộ phận văn nghệ sỹ. Trên thực tế, có hiện tượng đáng chú ý hiện nay là nhiều tác giả tỏ rõ ý thức trách nhiệm trong sáng tác, cố gắng xây dựng những nhân vật chính diện như là những chuẩn mực về đạo đức xã hội nào đó; song hiếm khi thành công hoàn hảo, hoặc bị chi phối bởi mục tiêu thương mại…

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, quá trình sáng tạo là quá trình “gạn đục khơi trong”, là tôn trọng các quy định văn hóa thiêng liêng của dân tộc, của những nhân vật lịch sử đã nằm lòng trong các thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên trong mấy thập niên gần đây, lại xuất hiện một số tác phẩm “giải thiêng”, phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bài xích một số anh hùng dân tộc vốn được nhân dân ta tôn kính, ngưỡng mộ.

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh cũng chỉ ra những hiện tượng sùng bái hình thức, tự đánh bóng mình, biến thật thành giả, cố tạo ra những “scandal” trong một số hoạt động văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu… hiện nay. Điều này cho thấy người nghệ sỹ có phần thờ ơ, thu mình trong thế giới riêng của sáng tạo, thiếu chí khí đổi mới tư duy, ngôn ngữ, cốt truyện, chạy theo tâm lý đám đông, tìm kiếm lợi nhuận...

Đáng ngại là những tác phẩm VHNT có xu hướng đề cao một chiều tính giải trí hiện đang có chiều hướng tăng lên.

Nâng tầm tư tưởng các tác phẩm VHNT

Theo giới nghiên cứu VHNT, để “chấn hưng” đạo đức xã hội trong lĩnh vực VHNT, giải pháp quan trọng hiện nay là phải tập trung nâng tầm tư tưởng các tác phẩm. Theo đó, muốn nâng tầm tư tưởng các tác phẩm VHNT đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp thiết thực.

Trước hết, khi viết về đạo đức xã hội, mỗi tác giả hãy vượt qua cái thông thường để nắm bắt cốt lõi của hiện thực, xem xét sự việc một cách điềm tĩnh, khách quan, không chối bỏ sự thật nhưng cũng không làm cho trang viết trở nên u ám. Để cho ra đời những tác phẩm “để đời”, yếu tố quan trọng chính là cái “tâm”, “tầm” và cái “tài” của mỗi người nghệ sĩ.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân người nghệ sỹ, các bộ ngành chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh chính sách, có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các hoạt động VHNT trong tình hình mới; đồng thời chủ động đấu tranh với những khuynh hướng VHNT tiêu cực, cụ thể hóa những định hướng lớn, đổi mới phương thức lãnh đạo VHNT theo Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI).

Về phía đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, phê bình cần thực sự phát huy tính định hướng dư luận, thị hiếu của công chúng. Những người làm công tác phê bình phải thực sự tỉnh táo, sáng suốt, chỉ ra cái xấu, cũng như nâng niu từng chút thiện để góp phần không làm tha hóa giá trị đạo đức của mỗi con người.

Ngoài những giải pháp nêu trên, giới chuyên gia cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng khẩn trương cụ thể hóa các quy định về quản lý thông tin, đặc biệt là quản lý các thông tin trên mạng Internet, các blog cá nhân, các facebook...; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những tác phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục; tôn vinh xứng đáng các sản phẩm có giá trị giáo dục bồi đắp nhân cách… để giải quyết các vấn đề bức xúc về đạo đức xã hội trong VHNT hiện nay.

 Theo Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương, bên cạnh những “điểm tối”, VHNT những năm gần đây vẫn có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chưa bao giờ như năm 2014, các ca khúc về biển đảo quê hương nở rộ như: “Khúc tráng ca biển” của nhạc sĩ Vũ Thiết; “Đảo chìm” của nhạc sĩ Lê Mây; “Biển đảo anh hùng, Tổ quốc quang vinh” của nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm; tập ca khúc “Dậy sóng biển Đông” gồm gần 100 ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam hướng về biển đảo, cổ vũ ý chí bảo vệ độc lập, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc.

Phan Hoàng

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm