Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo cấy toàn miền bắc vụ hè thu (vụ mùa) năm 2014 là hơn 1,1 triệu ha lúa, đạt năng suất bình quân 51,9 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 5,8 triệu tấn.
Ảnh minh họa
Đây được đánh giá là một thắng lợi trong sản xuất lúa của khu vực miền bắc so với vài năm trước. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất mà hầu hết các địa phương trong toàn vùng đồng bằng sông Hồng - vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của miền bắc đều có hiện tượng nông dân bỏ ruộng. Nguyên nhân là do dù sản lượng lúa đạt được khá cao nhưng giá trị kinh tế lại không đáng kể, thu nhập từ cây lúa quá thấp so với công sức bỏ ra. Phần lớn lúa gạo sản xuất ra chủ yếu phục vụ nhu cầu lương thực hằng ngày của từng hộ dân, chưa hình thành được vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn nào. Trước thực trạng này, để nông dân vùng đồng bằng sông Hồng gắn bó với đồng ruộng, giữ bền vững nghề trồng lúa thì các ngành chức năng cần xác định rõ nhiệm vụ sản xuất lúa của vùng là tiêu thụ nội địa hay cùng với đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu. Từ đó, có hướng tập trung đầu tư cho sản xuất lúa gạo trong vùng. Chứ như hiện nay, hoạt động sản xuất lúa gạo ở khu vực này chưa thật sự quy mô. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo vẫn rất hạn chế, các giống lúa chủ lực cũng chưa được phân định rõ ràng. Đặc biệt, vắng bóng hoàn toàn các nhà máy chế biến, hệ thống kho bảo quản lúa gạo.
Đồng bằng sông Hồng vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nhưng hiện nay người nông dân đang dần thờ ơ với nghề trồng lúa. Trước mắt, nhờ các nguồn thu nhập từ công việc khác, có thể cuộc sống của từng hộ gia đình vẫn ổn định. Nhưng về lâu dài, nếu có biến động về kinh tế - xã hội, thì việc bỏ ruộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm có các chính sách phù hợp để phát triển ngành sản xuất lúa gạo cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo NGUYỄN ANH THẮNG
Báo Nhân dân điện tử