Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) tổ chức triển lãm “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu của Viện Viễn Đông bác cổ”.
Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm
Lễ khai mạc triển lãm diễn ra vào chiều 3/12, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.
Những tư liệu hình ảnh sử dụng để trưng bày ở triển lãm lần này gồm 55 bức ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ kho tư liệu đồ sộ nói trên. Nguyên bản của các bức ảnh đều được thực hiện bằng các phương pháp cổ điển như chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản trên các máy ảnh large format, medium format... Các bức ảnh đều đã được xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh.
Nội dung của những bức ảnh trưng bày tại đây được chia làm 4 phần chính: Khảo cổ học, Xây dựng các bảo tàng, Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, và Lễ tế đàn Nam Giao.
Chiếm số lượng ảnh nhiều nhất trong triển lãm là những ảnh mang nội dung Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, giới thiệu những hình ảnh về một nền văn hóa dân gian. Đó là các nghi lễ nông nghiệp, những lễ hội đảm bảo sự gắn kết giữa các thế hệ, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh phố Hà Nội xưa…
Ngoài những tư liệu hình ảnh trên, triển lãm còn trưng bày gần 50 hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, liên quan đến những hoạt động khảo cổ, nghiên cứu của EFEO đối với lịch sử Việt Nam như: Tủ phích, phiếu hiện vật, sổ đăng ký phân loại hiện vật, các mẫu phân tích khảo cổ học, các thùng đựng hiện vật, sổ nhật ký khai quật khảo cổ học, các máy ảnh, phim kính, phim âm bản... Đây chính là các dụng cụ tác nghiệp của các học giả EFEO trước kia, hiện còn được lưu giữ trong bảo tàng.
Một số hiện vật tiêu biểu thuộc các nền Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa cũng lần lượt được giới thiệu tại Bảo tàng. Đây là những di vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, do các học giả EFEO trước đây phát hiện, nghiên cứu.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Có những hiện vật nằm dưới lòng đất hàng nghìn, hàng vạn năm đã được đưa về nghiên cứu, bảo quản ở EFEO trước đây, và nay về đến Việt Nam”.
Một số di tích quan trọng của Việt Nam cũng do các nhà khoa học của EFEO khám phá vào đầu thế kỷ 20 như Thánh địa Mỹ Sơn măm 1898, Bãi đá cổ Sa Pa năm 1924...
EFEO là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa. Hiện nay, EFEO thuộc Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp, có 17 trung tâm nghiên cứu tại 12 quốc gia, trở thành một địa chỉ uy tín cho công tác nghiên cứu đa ngành về xã hội và văn minh châu Á.
Trong hơn một thế kỷ tồn tại, EFEO đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về Đông phương học. Tập san Viện Viễn Đông bác cổ, viết tắt BEFEO, đã trở nên quen thuộc trong phần danh mục tham khảo của nhiều sách, bài viết về khảo cổ và lịch sử Á châu. Viện Viễn Đông bác cổ cũng có những ảnh hưởng quan trọng đối với các sử gia Việt Nam thế kỷ 20.
Nguyệt Hà
Theo Chinhphu.vn