Cập nhật: 09/12/2014 09:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với mục tiêu đầu tư, xây dựng hệ thống radar biển tần số cao để quan trắc các yếu tố sóng biển và dòng chảy phục vụ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên vùng biển, hải đảo của Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đầu tư hệ thống radar biển giai đoạn 1 gồm 3 trạm thu/ phát tín hiệu và Trạm trung tâm.

Hệ thống radar biển tần số cao hướng giám sát trạng thái bề mặt biển nước ta. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Vietnam+  về ý nghĩa của việc xây dựng hệ thống radar biển, ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung tâm Hải văn (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công triển khai dự án) khẳng định: “Việc đưa hệ thống radar biển vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng cho việc giám sát trạng thái bề mặt biển, từ đó đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ vùng biển và hải đảo nước ta.”

- Thưa ông, là đơn vị được giao nhiệm vụ “giám sát biển,” ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý cũng như những khó khăn gặp phải trong việc quan trắc tài nguyên và môi trường biển-hải đảo của nước ta hiện nay?

Ông Trần Hồng Lam: Đúng là công tác quan trắc tài nguyên và môi trường trên biển hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là hệ thống trạm quan trắc cố định ở ngoài khơi hiện nay chưa có, nên chúng ta không thu thập được số liệu thực tế, mà phải đưa tàu điều tra khảo sát ra ngoài biển. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện này cho một chuyến khảo sát lại rất tốn kém kinh phí, nên không thể liên tục đo đạc ngoài khơi được.

Thậm chí, kể cả trong giai đoạn có kinh phí để sử dụng tàu điều tra cho một chuyến khảo sát dài ngày trên biển thì cũng rất bất cập, không thể thu được số liệu chính xác. Lý do là, trong thời gian khảo sát có thể sẽ gặp thời tiết xấu, gió mùa, bão hay áp thấp nhiệt đới cấp 6-7 sẽ khiến tàu phải nhổ neo di chuyển.

Thứ hai là, hiện nay các trạm thường xuyên làm công tác quan trắc lại đặt ở các vùng ven bờ và ở đảo. Do vậy, thông thường các yếu tố hải văn chỉ đo được mực nước, nhiệt độ nước biển tầng mặt tại khu vực và độ mặn. Còn những yếu tốt cần thiết nhất, ví dụ như sóng, dòng chảy thì hiện tại chúng ta đang còn thiếu, đặc biệt là dòng chảy.

- Trước những khó khăn về công nghệ cũng như thiếu các trạm quan trắc cố định ngoài biển, vậy theo ông, công nghệ đo đạc bằng tín hiệu rada biển tần số cao này ra đời sẽ có vai trò như thế nào trong công tác quan trắc các yếu tố khí tượng, hải văn trên biển hiện nay?

Ông Trần Hồng Lam: Việc đưa công nghệ đo đạc bằng tín hiệu rada biển tần số cao vào quan trắc cũng là giải pháp sử dụng ở vùng ven bờ thời điểm hiện nay. Dù rằng, tầm mức quan trắc chuẩn của radar hiện nay có thể quan trắc được mức dòng chảy tới 300km, sóng khoảng 30 km, tuy nhiên radar cũng chỉ quan trắc được hai yếu tố này ở vùng ven bờ và vẫn thiếu ở vùng ngoài khơi.

Về giải pháp thì radar phải phối hợp đồng bộ với các trạm quan trắc cố định ven bờ, trạm phao ngoài biển cùng với ảnh thu tín hiệu từ mây vệ tinh (ảnh viễn thám) hiện nay đang thiếu. Do đó, radar mới chỉ là một hướng giải quyết giải pháp công nghệ.

- Cho đến nay, các trạm quan trắc bằng radar trên vùng biển nước ta đã được Trung tâm triển khai lắp đặt, xây dưng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hồng Lam: 

Hiện nay, Trung tâm Hải văn đã hoàn thiện việc xây và lắp đặt thiết bị xong cho 3 trạm rada biển theo đúng kế hoạch phê duyệt, gồm: Trạm Hòn Dấu (đảo Dấu tại thành phố Hải Phòng) trên diện tích 260m2, với thiết bị tổ hợp radar biển sử dụng năng lượng thấp, có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt, 30km đối với sóng biển.

Trạm radar biển số 2 nằm tại khu đất thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô diện tích sử dụng là 7.200m2 hệ thống radar biển có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; trạm radar biển số 3 tại khu đất thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trên diện tích sử dụng đất 20.000m2 có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; và Trạm điều hành trung tâm tại số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội.

Từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ quy hoạch xây khoảng 19 trạm, trong đó có 18 trạm radar và 1 trạm khu trung tâm tại Hà Nội (hiện nay đã có).

- Với tư cách một nhà nghiên cứu, ông thấy các trạm rada biển tần số cao có tính năng gì nổi trội, và những số liệu tại các trạm quan trắc đã được Trung tâm Hải văn sử dụng ra sao?

Ông Trần Hồng Lam: Thực tế thì hệ thống radar biển đã thu thập được các số liệu quan trọng về dòng chảy khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và sóng tại các vị trí trên đường Trung tuyến góc quét của 3 trạm radar biển. Các số liệu này cũng đã được phân tích tại Trạm điều hành Trung tâm và các sơ đồ trường dòng chảy tầng mặt từng giờ ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sơ đồ dòng chảy 2 chiều đã được xử lý.

Thêm nữa, hệ thống radar biển có thể dự báo được vết dầu tràn trên biển, từ đó chúng ta có thể nghi xuất được số dầu đó từ đâu đến. Hệ thống radar biển có thể phục vụ cho công tác hàng hải như lập được các bản đồ ở vùng ven bờ để các tàu vận tải trên biển có thể nắm bắt tình hình, điều chỉnh thời gian di chuyển trong các mùa.

Ngoài ra, hệ thống radar còn có thể hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy hải sản, bởi vì từ dòng chảy có thể phân tích, tính toán được dòng nước trôi-chìm ở trên biển, mà nơi đó là những nơi tập trung đàn cá. Radar cũng có thể dự báo về dòng chảy, dự báo sóng, góp phần phục vụ cho các hoạt động phát triển và an ninh quốc phòng.

Một điều đặc biệt là các trạm radar biển tần số cao có thể dự báo và cảnh báo sóng thần trong vòng 20-24 giờ ở khu vực miền Trung, nhất là tại ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, những số liệu tại trạm quan trắc này chưa được đưa vào sử dụng, và đang trong quá trình chạy thử nghiệm do Đề án Khai thác và sử dụng hệ thống radar biển chưa được phê duyệt, số lượng cán bộ có trình độ, chủ chốt để theo dõi và thực hiện việc giám sát tại các trạm còn thiếu và chưa có kinh phí hoạt động thường xuyên.

- Như ông nói thì hệ thống radar biển rõ ràng là “một bước cải tiến” rất quan trọng về công nghệ. Vậy, trong thời gian tới Trung tâm Hải văn sẽ làm gì để sớm đưa hệ thống radar biển vào sử dụng?

Ông Trần Hồng Lam: Nếu thuận lợi như theo chương trình làm việc bình thường, thì vào đầu năm 2015, chúng tôi sẽ triển khai đo đạc, kiểm nghiệm tại hai trạm ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó phân tích, tinh toán. Và nếu đảm bảo kinh phí thì dự kiến trước mùa bão tháng 7/2015, chúng tôi sẽ công bố số liệu chính xác để ứng dụng vào thực tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống radar biển, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đã yêu cầu Trung tâm Hải văn nhanh chóng hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các vụ chức năng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm đưa hệ thống radar biển hiện đại này vào sử dụng../.

 

HÙNG VÕ (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/he-thong-radar-giam-sat-be-mat-bien-ho-tro-bao-ve-chu-quyen-bien-dao/295559.vnp

Tệp đính kèm