Cập nhật: 24/12/2014 09:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năng lực hội nhập kinh tế của địa phương còn nhiều hạn chế, cần giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, các hiệp định mà Việt Nam tham gia.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị

Sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mở ra cơ hội về tăng trưởng kinh tế, song cũng còn nhiều thách thức, trong đó có việc nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của địa phương. Đây là nhận định đưa ra tại Hội nghị “Chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế - những vấn đề đặt ra với công tác hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng cho địa phương” do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay tại Hà Nội. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới về hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với hơn 155 nước, thu hút đầu tư trực tiếp của các tập đoàn và công ty thuộc 70 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký kết 88 Hiệp định thương mại song phương; mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 220 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Mới đây, Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc và FTA với Liên minh hải quan Belarus – Kazakhstan – Nga. Hiện Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP),  Hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam…

Việc hội nhập ngày càng sâu rộng đã góp phần củng cố và gia tăng uy tín, hình ảnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về mở cửa thị trường; khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong các hiệp định và sức ép với vấn đề cải cách trong nước.

Ông Trịnh Minh Anh, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng: “Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các tổ chức kinh tế thương mại quốc tế lớn trong khu vực và toàn cầu. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định TPP hoặc Hiệp định FTA Việt Nam–EU, mức độ mở cửa thậm chí còn cao hơn trong khuôn khổ WTO hay ASEAN. Chúng ta đang gần tiến tới mức độ mở cửa lớn nhất thế giới. Đó là câu chuyện bên ngoài quốc gia. Còn câu chuyện trong nước thì không đơn giản. Việc đàm phán đã được thực hiện rất tốt nhưng thực tế trong nước có thụ hưởng được không lại là câu chuyện khác. Chúng ta cần nhìn nhận lại các chính sách được cải thiện ở trong nước để có thể nắm bắt được các cơ hội mà các hiệp định mang lại.”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, thực tế trong quá trình hội nhập còn nhiều hạn chế cần giải quyết. Đó là sự chưa đồng bộ giữa hội nhập với bên ngoài và hội nhập với trong nước. Thời gian qua việc đàm phán một số hiệp định diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Trong khi đó, tiến trình cải cách để thích ứng với các tiêu chuẩn trong các hiệp định còn tương đối chậm. Đáng chú ý là còn có sự không đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Thực tế nhiều địa phương còn rất lúng túng trong việc cập nhật và đưa các nội dung của hội nhập kinh tế quốc tế vào trong phát triển kinh tế xã hội.

Do đó, một số ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Chia sẻ thực tế địa phương tại Hội nghị, bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói: “Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chuẩn bị kết thúc sau 8 năm Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi hơn và đã tổ chức triển khai và nắm bắt cơ hội tương đối nhanh. Tuy nhiên, việc tham gia vào tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn,  thách thức lớn. Do đó, cần tuyên truyền để cho các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội, các hiệp định mà Việt Nam đang tổ chức, hiệp định song phương và đa phương với các nước để cho các doanh nghiệp nắm bắt nhanh”.

Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng, để công tác hội nhập quốc tế về kinh tế đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần cơ cấu ngành hàng xuất khẩu và đặc biệt là chất lượng tăng trưởng. Ở góc độ địa phương, cần có sự định hướng đúng đắn trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao sức mạnh hội nhập trong hoàn cảnh mới./.

 

Theo Chung Thủy - Ngọc Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm