Cập nhật: 29/12/2014 09:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

7,92 tỷ là con số ấn tượng về xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2014, tăng 18,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. (ảnh: KT)

Năm 2014, trong số 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD của ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực thủy sản đã đóng góp 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra.

Sự vươn lên của ngành thủy sản đã kéo cả “đoàn tàu” nông nghiệp đạt mức hơn 30 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 3 tỷ USD so với năm ngoái. Tuy nhiên theo các chuyên gia để phát huy lợi thế về xuất khẩu, thời gian tới ngành thủy sản cần tìm kiếm thêm sản phẩm tiềm năng, thống nhất về hành động và hiểu sâu hơn về hội nhập.

7,92 tỷ là con số ấn tượng về xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm nay, tăng 18,4% so với năm ngoái. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Mặt hàng tôm năm nay tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, với giá trị xuất khẩu gần 4 tỷ USD. Tiếp đó là cá tra ước đạt 2 tỷ USD, tăng 5,8%….

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, đơn vị dẫn đầu trong cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường Việt Nam chia sẻ: “So với xuất khẩu gạo năm nay là 3 tỷ USD, rõ ràng mức xuất khẩu tôm cao hơn. Đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn để chúng ta khai thác tăng kim ngạch. Tuy nhiên, chúng ta cần có thêm những chính sách để hình thành từ 8 đến 10 Tập đoàn với thương hiệu mạnh để khi nói về tôm Việt Nam phải nhắc đến các thương hiệu hàng đầu. Vì nếu chỉ có 1 thương hiệu chúng ta sẽ đánh mất đi khả năng cạnh tranh và lợi thế trong xuất khẩu khi phải đáp ứng các đơn hàng với đối tác khi ký kết”.

Ngoài chủ trương tiếp tục coi cá tra, tôm và ngao là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, trong năm tới ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi bởi đây là mặt hàng đang có tiềm năng rất lớn về thị trường xuất khẩu.

Trong vòng 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của cá rô phi trên thế giới khoảng 30%. Chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ, cách đây 10 năm, thị trường này chỉ nhập khẩu khoảng 200 triệu USD nhưng năm nay có thể nhập khẩu hơn 1 tỷ USD.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu, năm 2015 ngành thủy sản tập trung nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có cá rô phi.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngoài phát triển 2 sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra, năm tới ngành thủy sản hướng đến phát triển thêm cá rô phi, bởi đây là đối tượng đang có tiềm năng phát triển và có thị trường xuất khẩu rất tốt”.

Đến nay, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam có mặt ở 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện đứng ở nhóm đầu thế giới về nuôi trồng và xếp thứ 3 về xuất khẩu thủy sản.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi kèm theo đó là nhu cầu tăng cao trong sử dụng các sản phẩm thủy sản, sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Không chỉ hiểu biết, nắm vững các quy định của thương mại quốc tế và các Hiệp định thương mại, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý tốt việc sử dụng các loại vật tư trong nuôi trồng thủy sản như: kháng sinh, chế phẩm sinh học bởi vì nếu như không quản lý tốt từ chất lượng sản phẩm đến cách sử dụng của người dân thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: tiềm năng xuất khẩu của ngành thủy sản còn rất lớn. So với các nước trong khu vực, chúng ta có lợi thế về tiềm năng mặt nước, nguồn lực lao động và hạ tầng kỹ thuật của nghề thủy sản hiện có. Tuy nhiên, chúng ta cần kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh trên thủy sản, nhất là các vi phạm về sử dụng tạp chất trong lĩnh vực nuôi tôm, đồng thời cần nắm chắc các cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Hoài Nam nói: “Trong thời gian tới khi ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) và trở thành nhà cung cấp lớn về thủy sản trên thế giới sẽ đặt ra những thách thức về chất lượng hàng hóa, thuế quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi từ khâu sản xuất nguyên liệu cho đến nhà máy chế biến xuất khẩu chúng ta đều phải thống nhất về hành động và hiểu biết sâu về hội nhập. Nếu làm được điều này thì cơ hội xuất khẩu thủy sản sẽ ngày càng gia tăng”.

Mặc dù còn không ít khó khăn phía trước trong việc đáp ứng những rào cản thương mại của nước nhập khẩu như: khai thác thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhưng với đà tăng trưởng mạnh mẽ và kim ngạch xuất khẩu mà ngành đạt được trong năm nay, mục tiêu thủy sản cán đích 8 tỷ USD vào năm 2015 theo “Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ còn là vấn đề thời gian./.

 

Theo Minh Long/VOV.VN

Tệp đính kèm