Mô hình tăng trưởng hiện nay đã lỗi thời, ngày càng thiếu hiệu quả và kém sức cạnh tranh. Nếu không đổi mới nền kinh tế sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn.
Tại buổi tọa đàm "Ðổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế" mới đây, giáo sư Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng thiếu hiệu quả và sức cạnh tranh. Mô hình phát triển hiện chủ yếu nặng về khai thác đầu vào và chưa chú ý đến hiệu quả và đổi mới sáng tạo, nên năng suất lao động thấp, hiệu quả giảm dần. Nền kinh tế khó thích ứng với sự phát triển nhanh của thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN), hội nhập sâu và đi vào đổi mới bên trong. GS Thái nói: “Không đổi mới là tụt hậu ngày càng xa hơn”.
Đi tìm mô hình phát triển mới
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Phải đưa cơ cấu kinh tế chuyển sang một cấp độ mới với những yếu tố chiều sâu chiếm vị trí chi phối. Trước hết, chúng ta cần chọn và tập trung làm cho được việc quan trọng và khó khăn nhất là nâng cao trình độ công nghệ và quản lý để trên cơ sở đó nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng sản phẩm.
Để tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới cần tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính then chốt, mà trước hết là đổi mới tư duy phát triển. Theo TS Lưu Bích Hồ, tư duy phát triển mới phải được thống nhất trong nhận thức và hành động. Đó là phát triển theo chiều sâu, tiến lên hiện đại, trong đó phát triển kinh tế tri thức là một nội dung cơ bản; phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Trên nền tư duy đó, mô hình phát triển mới là “hướng vào và dựa trên nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tiến nhanh lên hiện đại, bền vững, phù hợp với những xu hướng và giá trị mới của thế giới”- TS Lưu Bích Hồ nói.
Coi phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực và nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó coi công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ sinh học là hai mũi nhọn đột phá đi đầu để tiến lên hiện đại. TS Lưu Bích Hồ giải thích: “Đây là hai lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nguồn lực”.
Quyết tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường là giải pháp có tính quyết định cho sự phát triển. Các thể chế cũng cần hướng đến tạo dựng, phát triển các trụ cột của kinh tế tri thức là KHCN và đổi mới sáng tạo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh phải được ưu tiên hàng đầu, ông Hồ nhấn mạnh.
TS Lưu Bích Hồ lưu ý, hệ thống quản lý, quản trị sự phát triển phải dựa vào tri thức và kỹ năng hiện đại. Trong đó đặc biệt coi trọng phát huy tự do sáng tạo, quản lý bằng pháp luật, kết quả và hiệu quả thực tế, quản lý bằng cơ chế dân chủ đi cùng với kỷ luật kỷ cương. Kiên quyết loại trừ tư tưởng thành tích, lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê chung của cả nước, các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là từ đơn vị cơ sở, phù hợp với những tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế. Khắc phục tình trạng báo cáo, thống kê không đúng dẫn tới những quyết định sai. Thực hiện chế độ đánh giá kết quả mọi hoạt động theo yêu cầu minh bạch, công khai.
Chọn một số nơi xây dựng các thành phố/đặc khu sáng tạo, ở đó có những thể chế đặc biệt, điều kiện đặc biệt để sáng tạo, nghiên cứu triển khai, đại học đẳng cấp quốc tế và hội nhập quốc tế, như mô hình thung lũng Silicon.
Chuyển đổi mô hình trong một số ngành
Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể thành công nếu không thực hiện được ở các ngành, lĩnh vực, vùng để thật sự tạo ra một bộ mặt mới về cơ cấu và chất của nền kinh tế.
Đối với công nghiệp, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, chúng ta cần sớm thoát khỏi thực trạng nền công nghiệp chủ yếu là gia công hiện nay. Mấu chốt là phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, công nghiệp cơ khí tranh thủ đi ngay vào công nghệ cao, tự động hóa; ưu tiên chế tạo thiết bị phục vụ nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến; thiết bị xây dựng; thiết bị y tế bao gồm dược; thiết bị thông tin, truyền thông; phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, trong đó có đóng tàu phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và một phần ngoài nước, công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Công nghiệp hỗ trợ cần tập trung sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện cho các ngành dệt may, da giày, đồ nhựa, chế tạo thiết bị, công nghiệp điện tử… Trong khi, công nghiệp thượng nguồn sắt thép, xi măng – vật liệu xây dựng, hóa dầu, tập trung làm những sản phẩm có chất lượng cao để thay thế nhập khẩu; áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, phi cacbon, giảm ô nhiễm môi trường.
Đổi mới, hoàn thiện quản lý và quản trị công nghiệp theo mô hình/tiêu chuẩn hiện đại quốc tế; đặc biệt coi trọng khâu bố trí nhân lực quản trị CEO giỏi đối với doanh nghiệp Nhà nước và Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực quản trị cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tạo sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp các loại ở trong nước và nước ngoài trên cơ sở hợp đồng, đặc biệt trong các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề thúc đẩy sự liên kết này.
Về nông nghiệp, TS Lưu Bích Hồ chỉ rõ: Vấn đề cơ bản của nông nghiệp nước ta hiện nay là năng suất còn chưa cao, là chất lượng nông sản còn quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nên xuất khẩu còn bị thua thiệt về giá cả. Do đó TS Hồ kiến nghị, phương hướng chủ đạo là phải nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi để giảm lao động nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vị tiến sĩ này cũng cho rằng, vấn đề cũng được đặt ra cả trước mắt và về cơ bản lâu dài là làm cho nông nghiệp nước ta chuyển mạnh từ tình trạng như một kiểu nông nghiệp gia công hiện nay mà đặc trưng là các yếu tố đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cơ giới… còn phải dựa quá nhiều vào nguồn nhập khẩu, chuyển sang tự cung cấp được hầu hết các yếu tố đó, phát huy được thế mạnh đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo được nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc gia và quốc tế, nhất là phù hợp và bắt kịp với xu thế phát triển kinh tế xanh.
Đột phá hạ tầng và nhân lực chất lượng cao
“Kết cấu hạ tầng là một đột phá chiến lược, trong đó giao thông vận tải đang là một điểm nghẽn lớn, TS Lưu Bích Hồ nói. Đã có một số nỗ lực và tình hình được cải thiện một phần. Tuy nhiên, chưa cơ bản, đồng thời lại bộc lộ những hạn chế bất cập mà nổi bật là xây dựng công trình dàn trải, kéo dài thời gian, thiếu đồng bộ không phát huy được hiệu quả; chất lượng nhiều công trình thấp… Công tác quy hoạch yếu kém, quản lý xây dựng lỏng lẻo, tham nhũng lãng phí lớn…
TS Lưu Bích Hồ gợi ý, trong điều kiện chuyển hẳn sang kinh tế thị trường, vấn đề không thể nào khác là kết hợp công – tư mà khu vực tư sẽ ngày càng có tỷ trọng lớn hơn khu vực công trong phát triển giao thông vận tải. Đây là bài toán đã được giải ở nhiều nước, ta cần tham khảo để sớm giải quyết tốt cả về nguồn lực và về quản lý.
Cuối cùng TS Lưu Bích Hồ cho rằng, yếu tố quyết định ở đây là cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với từng loại hình dịch vụ để sớm đạt tới trình độ khu vực và quốc tế. Hơn đâu hết, văn hóa kinh doanh dịch vụ phải nhanh chóng tiến lên hiện đại./.
Theo Nhân Trí/VOV.VN