Chủ động, tích cực trong công tác dự tính dự báo, ngăn chặn kịp thời sự phát sinh, gây hại của dịch hại trên cây trồng của ngành bảo vệ thực vật đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của ngành trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung trong năm qua.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổng kết công tác bảo vệ thực vật 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở NN&PTNT, các đơn vị bảo vệ thực vật 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong số 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp, có đến 7 mặt hàng thuộc về lĩnh vực trồng trọt, đem lại kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gần 31 tỷ USD.
Ngoài việc tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả của sản xuất các loại cây trồng, ngành bảo vệ thực vật cũng tham gia đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nhiều loại trái cây có tiềm năng của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải… sang thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng lạm dụng thuốc bảo thực vật hiện nay còn phổ biến, dẫn đến chi phí tăng cao, gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Các biện pháp quản lý dịch hại như giống chống chịu, biện pháp sinh học, biện pháp canh tác kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, chính quyền cơ sở là cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm và chế tài chưa đủ sức răn đe.
Theo ý kiến một số đại biểu, vấn đề quan trọng nhất của ngành thời gian tới là phải quan tâm đúng mức công tác thị trường, tổ chức sản xuất và có cơ chế chính sách thúc đẩy áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn và khuyến khích người dân sản xuất nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, dự tính, dự báo dịch bệnh, dịch hại mới không chỉ áp dụng tập trung vào cây lúa, mà phải mở rộng áp dụng trên một số cây rau màu, công nghiệp, lâm nghiệp có thế mạnh của mỗi địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ: Đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản hướng đến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành bảo vệ thực vật cần phải chú trọng trong năm nay.
Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ về quản lý Nhà nước trong toàn bộ hệ thống, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Chúng ta đang quyết liệt triển khai tái cơ cấu ngành, vì vậy mỗi tiểu ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần phải định hướng lại, tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt khi triển khai.
Những gì là hạn chế tồn tại thì cần khẩn trương khắc phục, rà soát và có những giải pháp thực hiện tốt hơn. Đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm của các địa phương trong lĩnh vực bảo vệ thực vật để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Đỗ Hương
Theo Chinhphu.vn