Ông Phan Ngọc Bích (Phú Yên) là một trong số ít đảng viên năm 1930 còn sống và được nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vào ngày 5/10/1930, tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long (nay thuộc thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được thành lập. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son chói lọi mở đầu cho quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên. Một trong 9 người tham gia thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Yên là ông Phan Ngọc Bích.
Năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 85 tuổi cũng chừng ấy thời gian ông Bích đứng trong hàng ngũ của Đảng với tấm lòng sắt son cách mạng. Ông Phan Ngọc Bích là một trong số rất ít đảng viên năm 1930 hiện còn sống và được nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên trao huy hiệu 85 năm tuổi đảng và tặng hoa chúc mừng đảng viên lão thành Phan Ngọc Bích. Ảnh: Tấn Lộc/Phapluatonline
Mùa Xuân này, ông Phan Ngọc Bích tròn 105 tuổi và là đảng viên năm 1930 hiện còn sống. Cụ Bích nhớ lại: Ngày 30/10/1930, tại nhà ông Phan Lưu Thanh ở thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, nay là thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, đồng chí Phan Lưu Thanh đã đọc quyết định kết nạp ông vào Đảng; đồng thời đọc Điều lệ Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Phú Yên gồm 9 đảng viên.
Cụ Phan Ngọc Bích kể: “Buổi lễ lịch sử này được tổ chức đúng vào ngày gia đình có giỗ để che mắt địch. Chi bộ đã thống nhất phân công nhiệm vụ từng người, đặt ra mục tiêu phát triển đảng viên, phấn đấu đến đầu năm 1931 thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Yên. Hồi đó tuyên truyền cách mạng Tháng 10 Nga làm mục đích là tuyên truyền vận động quần chúng để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập”.
Cụ Phan Ngọc Bích sinh ra ở xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ông là một trong 9 đảng viên cộng sản tham gia thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên tại vùng đất này. Ngay từ ngày đầu tham gia cách mạng, 2 đảng viên Phan Ngọc Bích và Trương Dụng Quyền đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân và người dân ở khu vực Nhà máy đường Đồng Bò, huyện Tuy Hòa, nay là huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên giành thắng lợi bước đầu. Giới chủ nhà máy không dám dở trò đàn áp mà chấp nhận mọi yêu sách của công nhân và bà con nông dân.
Sau cuộc đấu tranh này, ông Phan Ngọc Bích tiếp tục hoạt động bí mật tại vùng núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở khu Đồng Bò và huyện Sơn Hòa.
Trong 85 năm theo Đảng làm cách mạng, ông Bích luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Là một trong những người ươm mầm "hạt giống đỏ" cho phong trào cách mạng của địa phương, ông Phan Ngọc Bích cùng các đồng chí của mình đã vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ. Bây giờ, do tuổi cao sức yếu, ông ở hẳn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Phú Yên để tiện điều trị, an dưỡng.
Ông Phan Đình Phùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, cháu ông Phan Ngọc Bích tự hào khi nói về người bác ruột của mình: “Tôi từ nhỏ rất tự hào, lúc bấy giờ chưa có ý thức về việc Bác vào Đảng năm 30 đâu. Nhưng mà một ông Bác khi mình gặp, mình thấy, mình nghe Ba mình kể, mình rất tự hào”.
Ngày 07/11/2014, ông Phan Ngọc Bích vinh dự đón nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và là một trong số các đảng viên hiếm hoi trong cả nước được nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tính đến thời điểm này. 85 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui nhưng trong ông luôn sắt son một tin với Đảng. Ông Bích chia sẻ rằng, cán bộ, đảng viên phải gần gũi với dân, phải thật sự gương mẫu và giữ được chữ “tín” trong dân.
“Hiện nay có một số Đảng viên tham ô, hối lộ làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng đối với Đảng, làm cho uy tín của Đảng giảm đi. Cho nên tôi mong muốn tầng lớp cán bộ bây giờ phải làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Trong công tác làm đúng theo lời Bác dạy, đúng theo lời thề, vì tương lai của đất nước”, cụ Bích nói.
Vào Đảng lúc tuổi đôi mươi, 85 năm đi theo Đảng, cụ Phan Ngọc Bích luôn tâm niệm, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự sâu sát, gần dân. Có như vậy, mới thấu hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và phục vụ cách mạng với tinh thần “vì dân”. Dân tin yêu Đảng, Đảng gắn bó với dân chính là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp Cách mạng Việt Nam./.
Theo CTV Lê Biết-Trí Thanh/VOV.VN