Phân tích tổng hợp toàn cầu về tác động của cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) trong 20 năm (1995-2014) cho thấy, cây trồng CNSH giúp tăng 22% sản lượng, giảm 37% sử dụng thuốc trừ sâu, nhờ đó tăng 68% lợi nhuận cho nông dân.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành công nhận giống cây trồng biến đổi gene, việc thương mại hóa có thể diễn ra sớm nhất vào cuối năm 2015.
Khi đã thương mại hóa được các giống cây trồng biến đổi gene thì điều có ý nghĩa lớn là Việt Nam đã tiếp cận được với công nghệ mới - công nghệ biến đổi gene trong nông nghiệp.
Thông tin trên được ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết tại Hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gene năm 2014” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng CNSH nông nghiệp (ISAAA) tổ chức.
Theo ông Clive James, Chủ tịch danh dự ISAAA, Việt Nam là quốc gia thứ 29 tham gia vào trồng các loại cây biến đổi gene, hay còn gọi là CNSH. Năm 2014, nhiều loại cây trồng CNSH mới được đưa vào canh tác ở các nước và dự kiến tiếp tục triển khai trong thời gian tới như cà tím Bt (Bangladesh), khoai tây Innate và cỏ alfalfa (Mỹ), mía chịu hạn (Indonesia), đậu kháng virus (Brazil).
Bangladesh đã trở thành mô hình của sự thành công trồng cây CNSH. Sau khi quốc gia này phê chuẩn cà tím Bt, không đến 100 ngày sau khi phê duyệt thương mại hóa, Bangladesh đã có 120 nông dân tham gia trồng tới 12 ha. Cà tím Bt không chỉ mang lại thu nhập cho nông dân nghèo mà còn giúp họ giảm tới 70-90% lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên loại cây lương thực này.
Ông Clive James cho rằng, cây trồng CNSH góp phần cho sự phát triển bền vững, an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu/môi trường.
Phân tích tổng hợp toàn cầu về tác động của cây trồng CNSH trong 20 năm (1995-2014) cho thấy, cây trồng CNSH giúp tăng 22% sản lượng, giảm 37% sử dụng thuốc trừ sâu nhờ đó tăng 68% lợi nhuận cho nông dân.
Việc tăng sản lượng của cây CNSH còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học nhờ tiết kiệm đất canh tác.
Việc đem lại môi trường tốt hơn nhờ tiết kiệm được 500 triệu kg phân bón hóa học. Riêng năm 2013 đã giảm phát thải khí CO2 tới 28 tỷ kg, tương đương với 12,4 triệu chiếc xe ô tô lưu thông trên đường một năm.
Năm 2014 là năm thứ 19, cây trồng CNSH được đưa ra thương mại hóa thành công. Đến nay, cây trồng CNSH được canh tác tại 28 nước với tổng diện tích đạt 181,5 triệu ha, gấp hơn 100 lần so với năm đầu tiên được trồng (1996).
Mỹ là quốc gia dẫn đầu về diện tích trồng cây CNSH với 73,1 triệu ha, mức tăng trưởng hằng năm đạt 4%, tương đương với 3 triệu ha. Đứng thứ hai là Brazil và Argentina duy trì ở vị trí thứ ba.
Đỗ Hương
Theo Chinhphu.vn